Hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ đã biến mất một cách thầm lặng trong đợt dịch COVID-19. Doanh nghiệp lớn nộp đơn xin bảo hộ phá sản, nhiều người biết đến. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ đóng cửa ít người để ý hơn.
Trang Bloomberg trích số liệu từ tháng 3 đến tháng 7 của Yelp - ứng dụng chuyên nhận xét các dịch vụ, khoảng 80.000 doanh nghiệp đã chọn đóng cửa vĩnh viễn. Trong số này, dẫn đầu là khối nhà hàng, kế đến là bán lẻ, làm đẹp, sửa chữa ô tô và tổ chức sự kiện. Hầu hết là doanh nghiệp nhỏ nên không đăng ký bảo hộ phá sản.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard, số lượng doanh nghiệp nhỏ đóng cửa thực tế còn cao hơn nhiều. Ngay khoảng từ tháng 3 - tháng 5, đã có tầm 110.000 doanh nghiệp quyết định bỏ cuộc. Nhưng thường phải mất 1 năm mới có số liệu chính thức được.
Một người đàn ông xếp dọn ghế tại một nhà hàng đóng cửa tại khu Miami Beach, bang Florida. (Ảnh: Getty Images)
Doanh nghiệp ở Mỹ được coi là nhỏ khi có dưới 500 nhân viên. Họ đang chiếm khoảng 44% hoạt động kinh tế và tạo công ăn việc làm cho một nửa 1/2 lao động tại Mỹ. Chính phủ Liên bang và địa phương đã có các khoản hỗ trợ giúp họ tạm thời vượt qua khó khăn. Nhưng về lâu dài, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng trước lựa chọn tiếp tục hay dừng lại.
Theo NBC, gần 1/2 doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ lo rằng kể cả khi kinh tế mở cửa trở lại bình thường, kinh doanh cũng không thể được như trước. Đóng cửa nhiều tháng đã bào mòn cả vốn lẫn lãi. Mở cửa trở lại chưa chắc đã đông khách ngay và phải chi thêm cho bảo hiểm, y tế. Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng nên dừng sớm cũng là một cách tránh nợ chồng nợ.
"Doanh nghiệp nhỏ: Tiến thoải lưỡng nan" là nội dung bài viết của CNBC. Theo bài báo, các doanh nghiệp lo không trụ nổi nếu các bang đóng cửa quá lâu. Nhưng nếu mở cửa quá sớm cũng không thể bởi làn sóng COVID-19 thứ hai vẫn rất phức tạp.
Nhiều bang tại Mỹ đóng cửa hoạt động kinh doanh trong nhà do lo ngại làn sóng COVID-19 thứ 2. (Ảnh minh họa: Toronto Star)
Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 35% doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ có thể duy trì được hơn 1 năm. Số còn lại chỉ còn được tính theo tháng, thậm chí theo tuần.
Nhưng khó khăn có thể lại khiến các doanh nghiệp có sức vươn lên tốt hơn. Số liệu về thất nghiệp gần đây cho thấy có thể doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ đang tìm được hướng đi phù hợp hơn với tình hình dịch bệnh thay vì chấp nhận khoanh tay đứng nhìn.
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 tại Mỹ chỉ còn là 10,2%, từ mức đỉnh 14,7% tháng 4. Thất nghiệp giảm cho thấy các hoạt động kinh tế đang ấm dần lên, còn doanh nghiệp đã có thu nhập để thuê nhân công trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!