Theo khảo sát của Reuters, khoảng 70% số công ty Nhật Bản đang chịu tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh do tình trạng thiếu hụt lao động, khi dân số nước này tiếp tục suy giảm và già hóa nhanh chóng.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là ở các lĩnh vực phi sản xuất và các doanh nghiệp nhỏ, đang đạt đến mức lịch sử, làm dấy lên lo ngại rằng sự hạn chế về nguồn cung này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Số vụ phá sản do thiếu lao động trong năm 2024 đã tăng 32% so với một năm trước đó, lên mức kỷ lục 342 vụ.
Với tình trạng thiếu lao động làm tăng lương và đồng Yen yếu, các công ty Nhật Bản đang kế hoạch tăng giá hàng hóa và dịch vụ của họ trong năm nay.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Nikkei Research cho Reuters từ ngày 24/12 đến ngày 10/1. Nikkei Research đã liên hệ với 505 công ty và 235 công ty đã trả lời với điều kiện giấu tên.
Khi được hỏi về các biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu lao động, 69% cho biết họ đang tăng cường các hoạt động tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và 59% đang thực hiện các biện pháp như kéo dài tuổi nghỉ hưu và tuyển dụng lại nhân viên đã nghỉ hưu.
Tuổi nghỉ hưu chính thức được quy định là 60 tuổi đối với khoảng 70% số công ty Nhật Bản, mặc dù hầu hết đã đưa ra các biện pháp cho phép nhân viên tiếp tục làm việc cho đến khi họ 65 tuổi.
Về ưu tiên đầu tư cho năm 2025, 69% công ty tham gia khảo sát chọn đầu tư vốn và 63% chọn tăng lương và các khoản đầu tư liên quan đến nguồn nhân lực khác.
Một quan chức tại một công ty hóa chất cho biết, điều cần thiết là tăng lương để giữ chân nhân viên và đầu tư vốn để hợp lý hóa sản xuất.
Xu hướng ưu tiên đầu tư này của các công ty Nhật Bản phù hợp với chính sách của Chính phủ nhằm tìm kiếm tăng trưởng kinh tế thông qua tăng lương và đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!