Dịch bệnh, xung đột quốc tế đã gây đứt gãy chuỗi logictics, làm gián đoạn sản xuất ở nhiều quốc gia, khiến nền kinh tế thế giới biến động bất thường. Việt Nam với nền kinh tế mở nhưng đã thích ứng kịp thời, tăng trưởng cao và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.
Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong, dẫn dắt nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù chỉ chiếm 0,08% trên tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng khối doanh nghiệp Nhà nước đóng góp tới 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.
Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của mỗi doanh nghiệp nhà nước là gần 600 tỷ đồng, nhiều gấp hơn 40 lần so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần so với doanh nghiệp tư nhân.
Khối doanh nghiệp Nhà nước đóng góp tới 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục tăng trưởng
Trong 11 tháng năm 2022, 19 tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phần lớn đều hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch. Đặc biệt, có hơn một nửa trong số những doanh nghiệp Nhà nước này đạt mức tăng trưởng trên 10%.
Hàng loạt các giải pháp linh hoạt, thích ứng trước biến đổi của thị trường trong nước và quốc tế đã giúp khối doanh nghiệp nhà nước biến nguy thành cơ, tạo lợi thế trong sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Diễn biến bất thường của thế giới khiến cả việc khai thác, tiêu thụ liên tục trồi sụt nhưng với giải pháp "Quản trị biến động", Tập đoàn dầu khí Việt Nam không chỉ đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho quốc gia, mà còn đạt doanh thu năm 2022 gần 900 nghìn tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2021, cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho hay: "Chúng tôi đã bám sát thị trường, thành lập tổ nghiên cứu theo tuần, theo ngày để tìm điểm rơi của thị trường ra chỉ đạo rất sát".
Hàng loạt các điều chỉnh linh hoạt, chủ động trong điều kiện bắt buộc phải thích ứng đã được các doanh nghiệp Nhà nước áp dụng. Ví như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã phải tiết giảm sản xuất khi thị trường xuống thấp nhưng có thể ngay lập tức tăng công suất tối đa khi có giá tốt. Điều đó đã góp phần tạo doanh thu trong 11 tháng qua đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phùng Quang Hiệp - Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết: "Trong bối cảnh dịch bệnh cũng như chính trị phức tạp, dự báo tình hình là rất quan trọng. Chúng tôi dự báo tình hình thì chúng tôi chuẩn bị thị trường đầu ra và chuẩn bị nguyên vật liệu đầu vào để không đứt gẫy chuỗi cung ứng, đảm bảo sản xuất kinh doanh".
Có thể trong thời gian tới, số doanh nghiệp Nhà nước sẽ giảm về số lượng nhưng sẽ tăng về chất lượng và quy mô. Ảnh minh họa.
Nộp các khoản cho Ngân sách Nhà nước tới 250 nghìn tỷ đồng, năm nay khối doanh nghiệp có vốn Nhà nước vẫn tiếp tục đứng đầu trong khối các doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách.
"Năm nay tổng thu nội địa tăng khoảng 5,3% thì khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn duy trì 8,7% có nghĩa tăng trưởng thu của khu vực kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò dẫn dắt tăng thu nội địa", bà Phạm Thị Tuyết Lan - Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế, Tổng cục Thuế cho biết.
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, có thể trong thời gian tới, số doanh nghiệp Nhà nước sẽ giảm về số lượng nhưng sẽ tăng về chất lượng và quy mô. Đồng thời tham gia chủ yếu ở các lĩnh vực nền tảng, quan trọng của đất nước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nói: "Có những doanh nghiệp rất mạnh về vốn nhưng chưa có giải pháp kinh doanh, chúng tôi sẽ xây dựng liên doanh liên kết với nhau để từ đó tạo ra sức mạnh nền tảng sẵn có, đồng thời huy động được hết nguồn lực của doanh nghiệp".
Trong 11 tháng năm 2022 khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục ổn định sản xuất, giữ được các đơn hàng xuất khẩu, đảm bảo việc làm, đời sống cho hàng triệu lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!