Để đủ điều kiện cung cấp các thiết bị bán dẫn cho các tập đoàn điện tử lớn như Samsung, LG, doanh nghiệp TNHH 4P phải đầu tư khoảng chục triệu USD và tuân thủ các điều khoản nghiêm ngặt của các đối tác lớn. Đặc biệt, quan trọng nhất công ty cần xác định mục tiêu rõ ràng.
Ông Hoàng Minh Trí - Tổng Giám đốc công ty TNHH 4P - nói: "Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là chất lượng toàn cầu. Đầu ra sản phẩm phải là các tập đoàn đa quốc gia, công ty lớn mới đảm bảo chi phí đầu tư ban đầu được".
Là đơn vị chuyên thiết kế, gia công khuôn mẫu linh kiện nhựa chính xác cho các ngành ô tô, xe máy, điện thoại và máy ảnh, doanh nghiệp Nhật Minh cho rằng đào tạo nhân lực chính là chìa khoá tạo nên hiệu quả trong hoạt động.
Bà Phan Thị Minh - Giám đốc công ty TNHH Nhật Minh - nói: "Chúng tôi tự nghĩ tự làm trên cơ sở hỗ trợ của các công ty lớn như Canon nhưng cuối cùng vẫn là quyết tâm của chủ doanh nghiệp phải làm tới cùng".
Dòng vốn FDI cam kết trong 9 tháng đầu năm đạt 25 tỷ USD, gần bằng cả năm 2017. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hỗ trợ Việt nói chung và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử nói riêng. Nhưng bên cạnh sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng sự hỗ trợ của Nhà nước, những hàng rào kỹ thuật là cần thiết để tạo lợi thế cạnh tranh.
"Doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của 3 động lực cơ bản: Thứ nhất là Chính phủ hỗ trợ chính sách hành lang pháp lý; Thứ hai là tài chính của các định chế tài chính; Thứ ba là hỗ trợ về khoa học công nghệ của các viện trường trong và ngoài nước", bà Đỗ Thị Thúy Hương - Hiệp Hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam - nói.
Với những doanh nghiệp điện tử còn đang tìm lối đi để gia nhập chuỗi toàn cầu, trước hết cần hiểu và tuân thủ luật chơi toàn cầu, trong đó 3 điều kiện tiên quyết đó là: chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và giá cả hợp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!