Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn
Với hình thức tổ chức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, tại điểm cầu Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh có gần 1.000 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các hiệp hội doanh nghiệp như: AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự. Còn mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước có khoảng 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp (DN) tham dự.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu ngắn gọn, thẳng thắn, thiết thực về những khó khăn, vướng mắc, bức xúc đồng thời đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể để cùng tháo gỡ rào cản để phát triển.
Thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
VCCI thay mặt cộng đồng DN đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng theo định hướng chính sách đó, có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN.
Việc thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.
Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đề nghị Chính phủ 8 nội dung: Triển khai xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật hỗ trợ DNNVV, kiện toàn tổ chức chỉ đạo hỗ trợ DNNVV; xây dựng Luật về hội; xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia; tạo cơ chế khuyến khích các hiệp hội, nhà đầu tư xây dựng kho ngoại quan cho DNNVV, tạo hậu thuẫn bằng cơ chế: giảm thuế, lãi suất tái cấp vốn; có chương trình ưu đãi DNNVV tham gia chuỗi sản xuất; tạo cơ chế phát triển kênh phân phối; tạo cơ chế khuyến khích phát triển các khu cụm công nghiệp đủ cơ sở hạ tầng cho DNNVV; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công…
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch của ngành dệt may Việt Nam bởi quy hoạch cũ đã lỗi thời, không theo kịp mức độ phát triển của ngành. Ngoài ra, việc xây dựng quy hoạch ngành cần phù hợp với quy hoạch các khu công nghiệp để bảo đảm việc xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.
Cho rằng chủ đề hội nghị năm nay tạo sự phấn khích cho doanh nghiệp, điểm qua những thuận lợi và khó khăn của kinh tế đất nước, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đề xuất 2 nội dung: Về chính sách phải tuân thủ tinh thần Hiến pháp và các FTA; nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, không ban hành thông tư; có cơ chế giám sát và chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi nhất là các hành vi nhũng nhiễu DN…; nhanh chóng ban hành Luật Phá sản; về thực thi Nghị quyết 19, phải có tiếng nói kiểm chứng từ DN…
Đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương phát biểu một số nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa địa phương với doanh nghiệp. Đại diện Trường Hải cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải đề cao đạo đức kinh doanh, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, chủ động hội nhập.
Giảm "định kiến" đối với các hãng hàng không tư nhân; tạo thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính tại cảng hàng không, tiếp cận các dịch vụ về hạ tầng cảng vụ, bảo đảm kỹ thuật; cải tạo hạ tầng sân bay... là những góp ý của đại diện Vietjet liên quan đến việc doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển thị trường vận tải hàng không Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM góp ý một số nội dung liên quan đến quy định về tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp; quy định về lệ phí cấp sổ đỏ đối với hộ gia đình; quy định về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; quy định về xây dựng lại chung cư hư hỏng nặng; kiến nghị sửa đổi quy định mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở liên quan đến lựa chọn chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở; điều chỉnh quy định sử dụng vốn trong hoạt động kinh doanh bất động sản ...
Và cuối cùng, sau khi có những góp ý sớm quy định cụ thể về Luật Doanh nghiệp, cải cách hành chính, rà soát giảm thiểu giấy phép con... cùng với kiến nghị với Bộ KHCN và Bộ NN&PTNT, bà Mai Kiều Liên bày tỏ, Vinamilk cũng như cộng đồng DN mong muốn Chính phủ hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.
Đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đề xuất với Chính phủ Việt Nam
Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ đề nghị một số nội dung: Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định TPP; đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán; mong muốn sẽ được hợp tác thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, KHCN, công nghiệp….
Về môi trường đại diện hiệp hội mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu ở ĐBSCL…
Về lĩnh vực năng lượng, Hiệp hội mong muốn Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển các hình thức sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả;…
Đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc góp ý một số ý kiến liên quan đến vấn đề lao động tại Việt Nam như: Cấp Giấy phép lao động trong sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam; Thành lập Ủy ban Cải cách thể chế do Thủ tướng đứng đầu; đẩy mạnh cải thiện các quy định, giải quyết các vướng mắc của DN;...
Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện. Trong đó, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực CNTT, phần mềm, nông nghiệp… đây là những lĩnh vực được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.
Nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với nhiều sản phẩm phong phú và sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu đẩy mạnh áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường. DN Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với DN Việt Nam để cùng phát triển nông nghiệp.
Đại diện DN Nhật Bản cũng kiến nghị Nhà nước Việt Nam xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến pháp luật về đầu tư, thời gian làm thêm giờ, quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, quy định về thông quan, xin phép cấp giấy chứng nhận đầu tư... cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại Hiệp hội DN châu Âu kiến nghị về đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng tái tạo; cho phép DN châu Âu mở Văn phòng đại diện, liên kết với DN Việt Nam phát triến sản xuất dược phẩm, sinh phẩm, trang thiết bị y tế; có chính sách ưu đãi thuế trong lĩnh vực sản xuất chế tạo; đề xuất Chính phủ có kế hoạch cung cấp nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 4 phù hợp với kế hoạch phát triển công nghiệp ô tô theo tiêu chuẩn Euro 4; đề nghị các cơ quan Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ trong thực thi quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Chủ đề của Hội nghị chính là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hai nội dung chính của Hội nghị là: Xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ công chức, như tình trạng nhũng nhiễu do chính bộ máy hoặc do công chức gây ra.