Doanh nghiệp gặp khó khi triển khai nhà ở xã hội

VTV Digital-Thứ năm, ngày 16/05/2024 10:45 GMT+7

VTV.vn - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Tiếp tục vệt chương trình hướng tới mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) mà Chính phủ đã đặt ra. Đây là mục tiêu nhân văn có ý nghĩa sâu rộng đối với người lao động, người thu nhập thấp. Hướng tới mục tiêu này, nhiều nỗ lực đã được triển khai, tuy nhiên, nguồn cung NƠXH mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu hiện hữu, theo số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng. Trong cuộc họp mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án NƠXH.

Bên cạnh những rào cản về thủ tục hành chính như: Chứng minh thu nhập thấp; xác nhận chưa có sở hữu nhà theo hộ gia đình, khiến cho người mua nhà khó tiếp cận NƠXH mà chúng tôi đã phản ánh. Ngay cả đối với các chủ đầu tư dự án NƠXH cũng đang gặp không ít vướng mắc, thậm chí có những thủ tục phải mất tới mấy năm, với khoảng 50 con dấu xác nhận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính, khiến rất ít chủ đầu tư mặn mà với NƠXH.

Trong nội dung dưới đây, chúng ta sẽ cùng theo dõi những chia sẻ của chính những chủ đầu tư trong nỗ lực phát triển các dự án NƠXH qua đó, phần nào có thể hiểu được vì sao một phân khúc có nhu cầu rất lớn lại chỉ có hiếm hoi các chủ đầu tư tham gia.

5 năm, 50 con dấu khác nhau, đó là các thủ tục mà ông Lê Hữu Nghĩa đã phải thực hiện để triển khai dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết: "Cách đây 2 năm, lúc đó UBND Thành phố cũng như các sở ngành đẩy nhanh tiến độ pháp lý dự án này lên. Chúng tôi chuyển các thiết bị để chuẩn bị tập kết vật tư, thiết bị từ máy ép cọc, thiết bị cơ giới, giàn giáo huy động về đây gần 10 tỷ đồng nhưng hai năm nay, trang thiết bị đều bị rỉ sét. Một dự án đầu tư bị kéo dài quá lâu làm cho thiệt hại rất lớn. Câu chuyện không phù hợp đó kéo dài mấy năm trời giai đoạn đầu để làm sao điều chỉnh quy hoạch phù hợp với dự án mà chúng tôi đề xuất. Chúng tôi mất 3 năm để làm câu chuyện đó. Sau 5 năm hiện nay về quy hoạch chúng tôi đã điều chỉnh xong phù hợp hết tất cả các số liệu. Và trong những khâu đó đến giờ này thì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có hơn năm chục con dấu của tất cả sở ngành để giải quyết cho dự án đó".

Doanh nghiệp gặp khó khi triển khai nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Nhà ở xã hội Mỹ Phú - Lotus

Không chỉ khâu điều chỉnh quy hoạch, khâu xác định giá bán cũng đang là trở ngại lớn đối với các chủ đầu tư khi triển khai dự án NƠXH.

Theo Luật Nhà ở, chủ đầu tư dựa trên tổng chi phí để trình Sở Xây dựng một mức giá bán cam kết đảm bảo lợi nhuận không quá 10%. Sau đó mới được kiểm toán. Tuy nhiên, theo Thông tư 09 của Bộ Xây dựng thì khi doanh nghiệp công bố giá bán phải được Sở Xây dựng phê duyệt trước. Nghĩa là chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến giá đầu vào, định mức mới được công bố giá bán.

"Nói về thủ tục hành chính thì thực sự là khó! Bởi vì chúng ta phải thực hiện theo những cái Thông tư, Nghị định hướng dẫn mới, thậm chí có những trường hợp tương tự trong dự án đã thực hiện trước đây giờ phải làm thủ tục lại, và trong quá trình xét duyệt thì cũng phải kéo dài thời gian vì thủ tục phê duyệt chưa được thực hiện xong thì vẫn phải chờ", ông Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng giám đốc công ty TNHH phát triển căn hộ Nam Long chia sẻ.

"Nhà đầu tư thì vẫn tìm kiếm lợi nhuận, tất nhiên là họ vẫn đang cân đối giữa an sinh xã hội và lợi nhuận. Với mức lợi nhuận 10% thì đã không tính về mặt thời gian mà trong khi hiện tại, thủ tục kéo dài. Dự án lúc đầu dự tính kéo dài 2 năm thôi nhưng chẳng hạn bị kéo dài 3 - 4 năm làm cho dự án càng bị đội vốn. Đội vốn ở đây không chỉ là chi phí xây dựng mà còn chi phí lãi vay. Khi lợi nhuận đã bị cố định ở mức biên đó rồi thì nhà đầu tư không mặn mà NƠXH", bà Đỗ Thị Thu Giang - Giám đốc dịch vụ tư vấn Savills Việt Nam thông tin.

Dự án NƠXH EhomeS tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, dù đã hoàn thiện và nghiệm thu được 6 tháng, nhưng 300 căn hộ ở đây vẫn bỏ trống, có nghĩa là nhu cầu có một nơi an cư của 300 gia đình vẫn còn bị bỏ ngỏ. Lý do là còn phải chờ các cơ quan chức năng phê duyệt các thủ tục xác định giá bán.

Các bước thủ tục đầu tư dự án phức tạp, kéo dài dẫn đến trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh mới chỉ hoàn thành được 16.000 căn NƠXH. Con số này chỉ mới đạt 1/3 tổng số lượng căn theo kế hoạch Thành phố đặt ra đến năm 2025 là 35.000 căn. Như vậy, 2 năm tới Thành phố phải triển khai gần 20.000 căn còn lại, đây thực sự là một thách thức không nhỏ, nếu như không muốn nói là bất khả thi. Thực tế này đòi hỏi cần phải có những chính sách, những cơ chế đột phá mới có thể hoàn thành.

Doanh nghiệp chờ đợi những cơ chế đột phá phát triển nhà ở xã hội

Doanh nghiệp gặp khó khi triển khai nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Cần một sự quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục để dự án NƠXH đi vào thực tế. Ảnh: Báo Đầu tư

Gần đây nhất, UBND TP. Hồ Chí Minh công bố quy trình 7 bước mang tính cải cách cho đầu tư xây dựng dự án NƠXH, trong đó cũng đã xác định trách nhiệm cụ thể của từng sở ngành, nhưng thời gian để hoàn thiện quy trình cũng lên tới hơn 1 năm.

Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Việc thực hiện này nó vẫn theo tuần tự và chủ đầu tư phải thực hiện tuần tự theo tuần tự nhất định chứ không thực hiện song song được, thì đó là cái dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Muốn đẩy nhanh tháo gỡ thì trình tự đầu tư xây dựng đối với riêng NƠXH phải được hệ thống hoá trong 1 cái Nghị định để từ đó các Bộ ngành sở ngành cùng phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ, song song hoặc cùng lúc thì như vậy nó mới rút ngắn được thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH".

"Sản phẩm chúng ta làm ra mang tính nhân văn và yếu tố xã hội quá lớn. Khi thực hiện kinh doanh bất động sản mà sản phẩm mình mang lợi cho người dân, ý nghĩa như vậy. Đó là điều tôi rất thích và tâm đắc, đó là lý do tôi đeo bám NƠXH", ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành chia sẻ.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng giám đốc công ty TNHH phát triển căn hộ Nam Long cho biết: "Thật tình mà nói là có những khoản phải bù đắp từ kinh doanh nhà ở thương mại và chúng tôi vẫn kiên định. Bởi vì ngoài lợi ích của doanh nghiệp trong việc phát triển chung thì chúng tôi ý thức được rằng nghĩa vụ cho xã hội và phải thực hiện chuyện đó. Tuy nhiên để nói chúng tôi dồn hết nguồn lực cũng như tâm huyết thực sự đó là câu hỏi rất lớn đặt ra hiện nay".

Có thể thấy, mục tiêu nhân văn 1 triệu căn NƠXH mà Chính phủ đặt ra được doanh nghiệp rất đón nhận, và bản thân họ cũng rất đau đáu làm sao có thể phát triển được dự án, mang lại một nơi an cư cho những người lao động, người thu nhập thấp. Nhưng ngay trong chính phần kết của phóng sự trên chúng ta có thể thấy, đâu đó vẫn cần một sự quyết liệt hơn nữa, trong việc giải quyết các thủ tục để dự án đi vào thực tế, tránh tình trạng có nhà mà không có người ở.

Các câu chuyện tiếp theo hướng tới mục tiêu phát triển 1 triệu căn NƠXH mà Chính phủ đã đặt ra, sẽ tiếp tục được chúng tôi gửi tới quý độc giả trong các nội dung phóng sự sau, kính mời quý độc giả theo dõi

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước