Doanh nghiệp gặp khó khi đầu tư nhà giá rẻ

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 05/01/2017 16:03 GMT+7

VTV.vn - Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay có 4 điểm nghẽn cần tháo gỡ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ.

Trong những năm gần đây, phân khúc nhà ở xã hội, hoặc nhà giá rẻ với giá trị dưới 1 tỷ đồng được nhiều khách hàng quan tâm. Một số đại gia trên thị trường bất động sản đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, bắt đầu đổ bộ vào phân khúc nhà giá rẻ này.

Tuy nhiên, dự định là vậy, trên thực tế doanh nghiệp có thực hiện được giấc mơ nhà giá rẻ cho nhu cầu của người dân hay không lại là một câu chuyện khác với nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, có 4 điểm nghẽn cần tháo gỡ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Trong đó, 2 khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt đó là giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất. 

Theo ghi nhận tại dự án nhà ở dành cho cán bộ công nhân viên TP.HCM, cách đây 15 năm, dự án này đã được triển khai giải phóng mặt bằng, tuy nhiên đến nay do còn vướng 3 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng nên dự án vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Theo nhiều doanh nghiệp, nếu vượt qua được khâu giải phóng mặt bằng, họ lại gặp khó trong khâu tính tiền sử dụng đất.

Để định giá tiền sử dụng đất tại một dự án, doanh nghiệp phải lo tới hàng chục thủ tục, từ khâu nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường, chọn đơn vị tư vấn, đến khâu thẩm định giá, tới khi trình Ủy ban thành phố phê duyệt, mất quá nhiều thời gian.  

Hiện nay tiền sử dụng đất đang được áp dụng theo công thức: tiền sử dụng đất bằng tổng doanh thu trừ tổng chi phí, trừ biên độ lợi nhuận của chủ đầu tư. Tại TP.HCM, suất đầu tư cơ sở để tính ra số tiền tổng chi phí lại bị giảm đi so với quy định của Bộ Xây dựng. Do đó, số tiền sử dụng đất doanh nghiệp phải đóng lại tăng lên.

"Cùng năm 2015, chênh lệch giữa suất đầu tư của Bộ Xây dựng là 11,9 triệu với suất đầu tư do UBND thành phố ban hành chỉ có hơn 6 triệu. Rõ ràng mức chênh lệch tới hơn 5 triệu. Và nếu nhân lên 1,17 lần, suất đầu tư của thành phố áp dụng cho năm 2016 cũng chỉ khoảng hơn 8 triệu/m2, vẫn còn thấp hơn 3 triệu so với suất đầu tư của Bộ Xây dựng", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết.

Đại diện hiệp hội cũng đề nghị thành phố sớm thay đổi cách tính tiền sử dụng đất nhằm thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước