Doanh nghiệp gặp khó khi chuyển giao tài sản là khoản nợ xấu

Trung tâm Tin Tức VTV24-Thứ tư, ngày 24/04/2019 06:27 GMT+7

VTV.vn - Cùng đấu giá tài sản đảm bảo nhưng tại mỗi tỉnh lại có có hành xử khác nhau để chuyển giao, điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khi chuyển giao tài sản là khoản nợ xấu.

Hơn 93.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực. Tốc độ giải quyết được đẩy nhanh gấp gần 3 lần so với trước.

Có những dự án nghìn tỷ đã hồi sinh sau nhiều năm chết yểu. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vướng mắc về các thủ tục sang tên đổi chủ, hay yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế trái với tinh thần Nghị quyết 42.

Doanh nghiệp gặp khó khi chuyển giao tài sản

Hàng chục nghìn m2 của toà nhà 19 tầng tại 147 Thùy Vân, TP Vũng Tàu đã nằm trơ khung sắt hơn 5 năm qua. Điều đáng nói, đã có chủ đầu tư bỏ ra hơn 150 tỷ đồng để mua khoản nợ xấu ứng với tài sản này nhưng họ phải nằm chờ hơn 10 tháng.

Đây vốn là tài sản thuộc công ty Xây dựng sản xuất Tân Thành đã thế chấp tại Ngân hàng BIDV. Sau khi công ty này mất khả năng thanh toán, tài sản đã được trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức đấu giá công khai vào tháng 4/2018.

Bỏ ra hơn 150 tỷ đồng để mua nợ xấu, nhưng chưa thể đứng tên sở hữu tài sản. 21 văn bản công văn đi, công văn đến và các biên bản làm việc là những gì doanh nghiệp có được trong 11 tháng qua. Theo Công ty quản lý tài sản VAMC, vấn đề nằm ở chỗ các Bộ, ngành chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn.

Câu chuyện trên là doanh nghiệp gặp khó vì không biết phải làm gì để chuyển giao tài sản. Còn có trường hợp khác là biết cách để chuyển giao nhưng lại "mất tiền", mà đáng lẽ ra khoản tiền này chưa cần nộp.

Theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết 42 của Quốc hội, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, mới đây có một cá nhân đã phải nộp thuế 500 triệu đồng ở Vĩnh Phúc để có thể hoàn thiện thủ tục bàn giao.

Doanh nghiệp gặp khó khi chuyển giao tài sản đảm bảo lã một nhẽ, nhưng bản thân VAMC cũng gặp khó trong việc chuyển giao khi đăng ký thay đổi giao dịch bảo đảm. 3 văn bản VAMC đã gửi cho Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM với các mốc thời gian khác nhau 15/5/2018, 6/6/2018 và 24/7 năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Dự án mang nợ xấu nghìn tỷ hồi sinh

Kết quả cho thấy, tốc độ xử lý nợ xấu của VAMC từ khi có Nghị quyết 42 tăng gần gấp 3 lần so với trước. Một dự án ở quận 7, TP.HCM, vốn dĩ là khoản nợ xấu nghìn tỷ nhưng chỉ sau 1 năm chuyển giao đã vượt lên, thay đổi diện mạo và đang trở thành điểm nhấn cửa ngõ trên đường vào quận 7.

Chỉ sau 150 ngày thi công, ngôi trường Tiểu học mang tiên Kim Đồng đã chính thức đi vào hoạt động để phục vụ hơn 1.000 học sinh tại quận 7, khoản nợ xấu 2.600 tỷ đồng chính thức được hồi sinh.

Trường học chỉ là một cấu phần trong tổng thể dự án nợ xấu từ năm 2017 được chuyển giao từ Công ty TNHH Hoàn Cầu tại Sacombank sang cho Chủ đầu tư mới là Công ty Xuân Mai Sài Gòn. Quy mô dân số tại dự án theo kế hoạch tại đây là 9.000 người.

Từ một bãi đất trống, với nhiều cỏ rác sình lầy trong khuôn viên rộng gần 15ha đã mọc lên 2 toà nhà cao 18 tầng, đến tháng 7 này hoàn thiện lên thành 36 tầng. Theo đại diện chủ đầu tư, bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua lại dự án doanh nghiệp đã tính toán đủ các bài toán chi phí, lợi nhuận và cơ hội của thị trường. Nhưng có một yếu tố họ không chủ động tính được là các thủ tục.

Điều may mắn với doanh nghiệp này là chính quyền địa phương đã chủ động phân tích tình hình của doanh nghiệp, thực sự muốn hồi sinh dự án sau thời gian dài nằm chết yểu gây mất mỹ quan cho khu vực cửa ngõ của địa phương.

Đã có nghị quyết, thẩm quyền của VAMC và các tổ chức tin dụng trong xử lý được nâng cao. Mới đây, VAMC cũng đã trình Chính phủ để đến tháng 6 này được tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ lên đồng 5.000 tỷ đồng, để tăng cường mua nợ thị trường nhằm xử lý nhanh nợ xấu. Nhưng chỉ khi các thủ tục hành chính thông thoáng, các Bộ, ngành liên quan kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn với quy chuẩn chung thì tình trạng "mỗi nơi xử lý một kiểu" mới có thẻ chấm dứt. Từ đó, thị trường mua bán nợ mới có cơ hội hình thành và nợ xấu sẽ cơ bản được xử lý theo đúng thời hạn tại năm 2020 như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

nợ xấu

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước