Doanh nghiệp gạo bỏ thầu giá thấp: Lo ngại ảnh hưởng cả ngành hàng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/06/2024 17:15 GMT+7

VTV.vn - 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 4,1 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về sản lượng và 38% về giá trị.

Thời điểm hiện tại, ĐBSCL bắt đầu thu hoạch lúa Hè Thu. Sản lượng lúa này đảm bảo nguồn cung ổn định cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo thực hiện các hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài. 

Lượng gạo dự trữ trong kho của các công ty, nhà máy khá dồi dào. Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng đã ký kết trước đây. Giá xuất khẩu đợt này khá tốt, có đơn hàng đến 638 USD/tấn loại 5% tấm. Sau Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam đang là nhà cung cấp gạo lớn thứ 3 cho nhiều thị trường.

Doanh nghiệp gạo bỏ thầu giá thấp:  Lo ngại ảnh hưởng cả ngành hàng - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo tiếp tục tăng cao về giá trị. Ảnh minh họa.

Lo ngại xuất khẩu gạo giá thấp ảnh hưởng ngành hàng

Tăng cả sản lượng và giá trị nhưng câu chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh trong xuất khẩu gạo vẫn chưa có hồi kết. Theo nhiều doanh nghiệp, tình trạng ký hợp đồng bán gạo giá thấp, đại hạ giá là biểu hiện cụ thể nhất. Từ đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất áp dụng lại giá sàn trong xuất khẩu gạo.

100.000 tấn gạo sẽ xuất sang Indonesia có giá bán thấp hơn từ 22 - 24 USD/tấn so với công bố của VFA. Mức giá này được cho là sẽ ảnh hưởng đến việc đấu thầu của các doanh nghiệp gạo Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ cho biết: "Chúng ta đưa ra giá sàn để đảm bảo giá gạo Việt Nam, công sức của người Việt Nam không bị một số doanh nghiệp hạ giá thành đổ xuống sông xuống biển".

Doanh nghiệp gạo bỏ thầu giá thấp:  Lo ngại ảnh hưởng cả ngành hàng - Ảnh 2.

Ngành hàng gạo đang nỗ lực nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo Việt, hướng đến cải thiện thu nhập cho người trồng lúa.

Đơn hàng xuất khẩu từ nay đến hết tháng 7 này ít nhiều đang tác động đến giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu. Theo đó giá gạo xuất khẩu đã giảm 4 USD/tấn, thương lái thu mua lúa cũng giảm 300 - 400 đồng/kg.

"Các vụ sau nếu giá lúa có lời nông dân sẽ ham làm ruộng, còn giá thấp như các vụ trước người dân không muốn làm ruộng nữa", bà Lê Thị Hồng - huyện Vị Thủy, Hậu Giang chia sẻ.

Theo một số doanh nghiệp, xuất khẩu 100.000 tấn gạo giá thấp so với 7 - 8 triệu tấn của cả năm không phải là con số lớn. Song đây cũng là thực tế đáng báo động khi ngành hàng gạo đang nỗ lực nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo Việt, hướng đến cải thiện thu nhập cho người trồng lúa.

Phát huy vai trò các hiệp hội trong xuất khẩu gạo

Có thể nói yếu tố thị trường xác lập giá cả hàng hóa. Tuy nhiên thả nổi cũng nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Quản lý chặt bằng giá sàn xuất khẩu cũng chưa hẳn là giải pháp tối ưu. Bởi 10 năm trước, việc này đã được thực hiện nhưng không thành công. Chính vì vậy, điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, theo quy định pháp luật được khuyến khích.

30 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo, Công ty TNHH Phước Thành IV, Vĩnh Long nhận thấy nhiều bất cập của giá sàn. Áp dụng giá sàn khiến doanh nghiệp mất đi tính tự chủ. Trong khi thị trường lên xuống thất thường. Giá sàn không theo kịp thực tế sẽ là cản trở lớn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gạo bỏ thầu giá thấp:  Lo ngại ảnh hưởng cả ngành hàng - Ảnh 3.

Ngành hàng lúa gạo cần thông tin kịp thời, công khai về giá dự thầu, giá trúng thầu của tất cả doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Nước ta hiện có 170 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó chỉ khoảng 10 doanh nghiệp lớn trực tiếp tham gia đấu thầu. Vấn đề mấu chốt là việc bàn bạc, thống nhất và thực hiện các cam kết của các doanh nghiệp này với vai trò hỗ trợ, điều phối của các Hiệp hội.

TS Trần Hữu Hiệp - Giảng viên Trường Đại học FPT Cần Thơ cho biết: "Chúng ta cần nâng cao vai trò của các hiệp hội, ngành hàng, trong đó đặc biệt là sự cam kết, liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp và có chế tài với công cụ của hiệp hội và cơ chế của hiệp hội. Bên cạnh đó, chúng ta có bộ quản lý nhà nước chuyên ngành về xuất khẩu".

Theo các chuyên gia, ngành hàng lúa gạo cần thông tin kịp thời, công khai về giá dự thầu, giá trúng thầu của tất cả doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Đây là cơ sở hướng tới xây dựng sàn giao dịch thị trường lúa gạo minh bạch.

Giá gạo quốc tế ở mức cao nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại bỏ thầu giá thấp. Tình trạng này khiến giá lúa ĐBSCL nhiều lần rớt thảm. Do đó xóa mờ những góc khuất của thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh công bằng là động lực để lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững.

Đề xuất lập lại giá sàn xuất khẩu gạo Đề xuất lập lại giá sàn xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục phát huy lợi thế xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục phát huy lợi thế xuất khẩu gạo Băn khoăn về đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo Băn khoăn về đề xuất áp giá sàn xuất khẩu gạo

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước