Từ nhiều năm nay, chuỗi cà phê The Coffee House vốn tự xây ứng dụng bán hàng trực tuyến, nhờ vậy con số giao dịch online tăng 30% so với thời điểm trước dịch đã trở thành chiếc phao cứu sinh cho doanh nghiệp qua giai đoạn giãn cách xã hội. Doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư để duy trì tỷ trọng bán hàng online hiện có, nhằm đa dạng hóa kênh bán trong bối cảnh mới.
Chủ các chuỗi nhà hàng thiên về món ăn nóng sốt, thưởng thức tại chỗ cũng lên kế hoạch thay đổi cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng đã khác của khách hàng, theo đó chú trọng thiết kế các điểm bán offline để dễ bán online hơn.
Để đẩy mạnh bán trực tuyến, việc bắt tay với các đối tác nền tảng xe công nghệ là tất yếu. Tuy nhiên để tìm cách giảm tỷ lệ chiết khấu lên đến 40% trên đơn hàng cho các hãng công nghệ như hiện nay, một số doanh nghiệp đang thực hiện sáng kiến mới.
47% người tiêu dùng Việt cho biết thói quen ăn uống đã thay đổi vì đại dịch COVID-19.
Vài năm trở lại đây, mô hình "bếp trên mây" (Cloud Kitchen) đã được Grab, Now, Baemin... triển khai tại Việt Nam. Hiểu đơn giản là các hãng công nghệ đứng ra đầu tư một mặt bằng gồm nhiều gian bếp nhỏ cho các doanh nghiệp F&B chỉ để bán online trên nền tảng đó. Tuy nhiên bù lại, tỷ lệ chiết khấu trên đơn hàng cao. Hiện nay, một nhóm doanh nghiệp F&B Việt hợp tác tự đứng ra xây dựng mô hình này, chỉ sử dụng các hãng công nghệ làm đối tác giao hàng để vừa tiết kiệm chi phí, vừa gia tăng biên lợi nhuận.
Theo khảo sát của hãng nghiên cứu Nielsen, có đến 47% người tiêu dùng Việt cho biết thói quen ăn uống đã thay đổi vì đại dịch COVID-19. Giới chuyên gia cho rằng sẽ có những sự thay đổi không thể bị đảo ngược sau khi đại dịch qua đi, vô hình trung sẽ tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho chủ doanh nghiệp nào đủ nhanh nhạy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!