Doanh nghiệp du lịch “cầm cự” đi qua mùa dịch

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 18/06/2021 20:04 GMT+7

VTV.vn - Nhiều đơn vị lữ hành đang nỗ lực duy trì hoạt động bằng các giải pháp tạm thời.

Không làm đứt gãy các chuỗi kinh doanh của cơ sở dịch vụ du lịch là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết trong thời gian tới.

Với vị trí tiên phong phục hồi kinh tế, buộc ngành du lịch phải khắc phục được những khó khăn từ dịch bệnh, đồng thời chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, nghiệp vụ kỹ thuật, nguồn nhân lực để bứt tốc khi có điều kiện - nghĩa là khi dịch bệnh tạm lắng.

Mỗi địa phương, đơn vị cần đầu tư chuyên sâu để khai thác những giá trị khác biệt, tạo ra sản phẩm mới, đặc sắc, sẵn sàng mở cửa trở lại thị trường nội địa khi đủ điều kiện an toàn.

Duy trì chuỗi kinh doanh dịch vụ du lịch

Trong thời gian tạm nghỉ hoạt động do dịch bệnh, giữ chân lực lượng lao động nòng cốt và nâng cao tay nghề là một trong những biện pháp được một số doanh nghiệp du lịch thực hiện để chống đứt gãy kinh doanh.

Những lớp đào tạo nghề trực tuyến, video hóa các tình huống phổ biến khi phục vụ khách trong mùa dịch đến các lớp củng cố kiến thức chuyên môn, trình bày sáng kiến nhằm kích hoạt lá chắn dịch bệnh tại các điểm đến được triển khai liên tục, thường xuyên.

Phủ "áo mới" cho các khu du lịch, xây dựng sản phẩm mới cách một số doanh nghiệp du lịch làm để đón khách trở lại khi có điều kiện.

Doanh nghiệp du lịch “cầm cự” đi qua mùa dịch - Ảnh 1.

Du lịch đang hứng chịu đợt tấn công lần thứ 4 từ đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa - Dân trí.

Các đơn vị vận chuyển cũng phải thích nghi để duy trì hoạt động kinh doanh. Nhiều hãng hàng không áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt tùy thuộc vào thị trường và tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh hoạt động bay thuê chuyến, bay giải cứu công dân hay chở hàng… giúp đội ngũ phi công, tiếp viên ổn định công việc hàng ngày, bất chấp các diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế, Đà Lạt đã cho phép mở cửa trở lại các hoạt khu điểm và dịch vụ du lịch. Trước mắt, các địa phương ưu tiên nguồn khách nội tỉnh, từng bước phục hồi du lịch theo hướng an toàn, bền vững

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Phục hồi du lịch là phục hồi chuỗi hoạt động kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Lữ hành, vận chuyển, lưu trú, điểm đến, các dịch vụ đi kèm cần sẵn sàng cho những kịch bản tái thiết ngành công nghiệp không khói.

Doanh nghiệp lữ hành nỗ lực duy trì hoạt động

Làn sóng COVID-19 thứ 4 kéo theo vô số khó khăn, gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch, điển hình là các công ty lữ hành. Thống kê sơ bộ, việc dịch bùng phát đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 - mùa cao điểm, khiến khoảng 90% khách hủy tour trong cả tháng 5 và đầu tháng 6.

Riêng du lịch Hà Nội, khoảng 80-90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động; 90% nhân sự trong ngành du lịch đang tạm nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc khác.

Tránh đứt gãy nguồn nhân lực, xây dựng kịch bản "sống chung với dịch", nhiều đơn vị lữ hành đang nỗ lực duy trì hoạt động bằng các giải pháp tạm thời.

Tại công ty lữ hành Hanotour, trước thời điểm dịch bệnh, hơn 30 nhân sự công ty luôn có mức thu nhập ổn định, kể cả những thời điểm du lịch chỉ tạm thời khởi sắc sau các đợt phùng phát dịch năm 2020.

Chưa bao giờ, cả công ty tạm thời nghỉ đồng loạt để chống dịch hiện nay. Tuy nhiên, công ty vẫn đang hoạt động theo cách riêng.

"Chúng tôi xoay sang các hoạt động đào tạo và vẫn lên những kế hoạch, thiết kế sản phẩm mới phù hợp bối cảnh các địa phương mở cửa từng phần để sẵn sàng khi du lịch trở lại…", ông Hồ Xuân Phúc - Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Hanotour nói.

Tương tự, nhiều đơn vị lữ hành lớn để cầm cự qua mùa dịch và chống đứt gãy nguồn nhân lực, cũng tận dụng thời gian dịch bệnh để đi sâu vào việc thiết kế tour tuyến, chú trọng vào các tour ghép, các tour cho nhóm nhỏ, gia đình, để du khách có nhiều lựa chọn hơn khi du lịch đang mở cửa dần tại các địa phương, cùng với đó là nhiều giải pháp và các kịch bản phục hồi.

Bên cạnh nỗ lực của ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành, Tổng cục Du lịch cũng đề xuất các bộ ngành liên hoan xem xét loại hình bảo hiểm mới - bảo hiểm du lịch, nhằm giúp du khách khi tham gia tour sẽ tin tưởng, an toàn, từ đó góp phần thúc đẩy nhu cầu du lịch.

Đề xuất Chính phủ cho kéo dài thời gian hoặc tạm dừng đóng các khoản phí chưa cần thiết, kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2021.

Mô hình mở cửa du lịch trở lại tại các nước

Các quốc gia có nguồn thu chủ yếu từ du lịch đang nỗ lực mở cửa trở lại để giúp cho nền kinh tế đang bị suy thoái nghiêm trọng bởi đại dịch. Những mô hình, sáng kiến du lịch nhưng phải chống dịch cũng được đưa ra và bắt đầu thí điểm ở nhiều nước trên thế giới.

Đến Dubai vào thời điểm này có thể thấy hàng chục du thuyền sơn màu trắng đi lại hàng ngày trên các vịnh, kênh và qua các đảo trong khi nhiều chiếc khác neo đậu dọc bờ biển vùng Vịnh.

Mô hình du lịch bằng du thuyền vừa cho phép người dân đi du lịch trong đại dịch, vừa đảm bảo sự riêng tư vì các đoàn khách sẽ chỉ bao gồm những người trong gia đình hoặc một nhóm bạn bè.

Ngoài ra, việc cả nhóm cùng chung tiền thuê một du thuyền hạng sang sẽ giúp gánh nặng chi phí giảm đi nhiều. Dubai mới mở cửa trở lại để đón du khách vài tháng trước, sau thời gian phải phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Hiện tại, các du thuyền được phép hoạt động 70% công suất phục vụ khách thông thường.

Doanh nghiệp du lịch “cầm cự” đi qua mùa dịch - Ảnh 2.

Thái Lan sẽ thí điểm mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket từ ngày 1/7. Ảnh: Getty.

Thái Lan đang hy vọng phục hồi ngành du lịch - đóng góp hơn 20% GDP cả nước - với việc thí điểm mở cửa trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket từ ngày 1/7. Theo kế hoạch, du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vacccine phòng COVID-19 tới Phuket sẽ được miễn cách ly.

Chính sách này cũng đang được cân nhắc áp dụng tại một số tỉnh khác kể từ tháng 10. Hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket của Thái Lan đang tiến gần tới mục tiêu tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 cho 70% cư dân để có thể mở cửa cho du khách nước ngoài.

Ngày 9/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (MCST) và Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông (MOLIT) Hàn Quốc đã ra Thông cáo báo chí về việc triển khai sáng kiến "bong bóng du lịch" cho phép thực hiện các chuyến tham quan theo nhóm có hướng dẫn viên, dành cho công dân của các quốc gia thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19.

Dự kiến, trong giai đoạn đầu, Hàn Quốc sẽ chỉ cho phép những du khách nước ngoài đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19, đủ số mũi tiêm theo quy định, được thực hiện các tour theo nhóm có hướng dẫn viên. Sáng kiến này dự kiến sẽ triển khai trước khi nước này đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.

Ngày 10/6, Chính phủ Singapore và chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ xem xét kế hoạch thiết lập "bong bóng du lịch" trong tháng 7. "Bong bóng du lịch" được hiểu là hành lang đi lại an toàn không cần cách ly, về cơ bản là cơ chế hai hoặc nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ kiểm soát được dịch cho phép người dân đi sang lãnh thổ của nhau với những hạn chế tối thiểu.

Tại Việt Nam, trong cuộc họp ngày 11/6, Bộ Chính trị kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có nghiên cứu thí điểm sử dụng Hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch.

Vietnam Airlines và Vietjet là 2 hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có kế hoạch thử nghiệm một trong các loại hộ chiếu vaccine. Đây được coi là những bước tiền để du lịch Việt Nam đón những khách du lịch quốc tế trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước