Doanh nghiệp chấp nhận “bù lỗ” để bình ổn giá

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 10/03/2022 20:22 GMT+7

VTV.vn - Áp lực chồng áp lực khiến các doanh nghiệp phải tìm nhiều cách thức để bình ổn giá sản phẩm đầu ra, thậm chí có doanh nghiệp đã chấp nhận "bù lỗ" để không tăng giá bán.

Ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế nước ta còn chưa kịp phục hồi, đầu năm nay, các doanh nghiệp lại phải đối phó với làn sóng tăng giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu đầu vào do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, giống như một cơ thể chưa kịp gượng dậy sau cơn bạo bệnh, lại phải đối mặt với một trận ốm khác.

Áp lực chồng lên áp lực khiến các doanh nghiệp phải tìm nhiều cách thức khác nhau để bình ổn giá sản phẩm đầu ra, thậm chí có doanh nghiệp đã chấp nhận "bù lỗ" để không tăng giá bán, giữ chân người tiêu dùng. Tiết giảm chi phí sản xuất đang là giải pháp tự cứu mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhằm trụ vững.

Doanh nghiệp chấp nhận “bù lỗ” để bình ổn giá - Ảnh 1.

Tìm đủ cách để bình ổn thị trường là điều nhiều doanh nghiệp phải xoay xở lúc này. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Cung cấp thực phẩm tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đang đứng trước sức ép tăng giá rất lớn, bởi hầu hết chi phí đầu vào đã tăng từ 10 - 20%. Ngoài việc tiếp tục tối ưu hoạt động sản xuất, doanh nghiệp đang cố gắng cắt giảm các khâu dôi dư nhằm giảm chi phí sản xuất, cố gắng chưa tăng giá bán của sản phẩm.

"Nguyên liệu mình chọn lọc kỹ, ký kết với đối tác với số lượng lớn để họ đưa ra một mức giá tốt nhất. Chất lượng sản phẩm giữ nguyên, nhưng điều chỉnh chi phí như marketing, tiếp thị giảm 50% so với trước", ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, cho biết.

"Cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành để ngồi lại với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, để chia sẻ và giảm chi phí bán hàng", ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho hay.

Tìm đủ cách để bình ổn thị trường là điều nhiều doanh nghiệp phải xoay xở lúc này. Các doanh nghiệp kỳ vọng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và sự điều hành giá cả linh hoạt của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả để kích thức sức mua, vừa giảm gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động tự tìm giải pháp vượt khó cho mình để góp phần cùng nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại để cắt giảm những chi phí không cần thiết. Việc đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và đầu tư tiền ít hơn. Khi lượng hàng hóa nhiều hơn, tiền đầu tư ít thì đó chính là giải pháp để cân đối giữa phương tiện thanh toán với lượng hàng hóa và nó không tạo ra sức ép lạm phát", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định.

Đây cũng dịp để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới khoa học công nghệ, tư duy quản trị để trụ vững những đợt sóng bất thường trong sân chơi toàn cầu hóa hiện có nhiều biến động khôn lường.

Kiểm soát lạm phát trong giới hạn cho phép

Doanh nghiệp có cầm cự được, người lao động mới có việc làm. Chính vì vậy, đây chính là lúc phát huy sự sáng tạo và chủ động của doanh nghiệp để giảm tối đa tác động của cơn bão giá.

Còn với nhiều người tiêu dùng, nỗi lo là giá xăng dầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhờ sự điều hành giá một cách linh hoạt, với nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành có liên quan, giá cả nhiều loại hàng hóa trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát.

Thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế phí khác đang chiếm khoảng 40% tổng giá của 1 lít xăng dầu.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính chiều nay (10/3) đã trình Chính phủ phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Doanh nghiệp chấp nhận “bù lỗ” để bình ổn giá - Ảnh 2.

Giá xăng dầu tăng đột biến chỉ là hiện tượng bất thường và có hiệu ứng trong ngắn hạn. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Trong khi chờ đợi Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, điều quan trọng vào lúc này là đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

"Trong bối cảnh làm phát chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với xăng dầu, chúng ta cần có giải pháp để làm sao đảm bảo nguồn cung. Thứ hai là điều hành giá cả sao cho phù hợp với giá của thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp sử dụng xăng dầu", TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm này cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát có hiệu quả.

Tuy việc hạ lãi suất cho vay thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất là điều cần làm, nhưng cũng phải tính tới việc tăng huy động vốn và đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ để thu hút tiền nhàn rỗi trong xã hội. Nếu làm tốt giải pháp này sẽ tạo cân bằng trong giới hạn cho phép về lượng tiền và hàng lưu thông trên thị trường, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát.

"Lạm phát của Việt Nam trong tháng 2 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do giá nhiên liệu tăng khiến chi phí vận tải tăng trên 15%. Hiện nay Việt Nam vẫn đang giữ mặt bằng lãi suất thấp, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất đang bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng do nguyên, nhiên, vật liệu tăng. Vì vậy, rủi ro lạm phát ở thời điểm này của Việt Nam thấp hơn so với nhiều quốc gia khác và chúng tôi dự báo lạm phát Việt Nam ở ngưỡng hơn 3% trong cả năm nay", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, đánh giá.

"Chúng tôi cũng đã có những kế hoạch, phương án đối với các mặt hàng cốt yếu khác để giữ mặt bằng giá chung. Chúng tôi dự kiến nếu trong thời gian gian tới, giá xăng dầu thế giới có chiều hướng dịu đi thì chắc chắn Chính phủ sẽ điều hành và đảm bảo chỉ tiêu lạm phát đã được Quốc hội thông qua", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.

Giá xăng dầu tăng đột biến chỉ là hiện tượng bất thường và có hiệu ứng trong ngắn hạn. Khi bóng đen khủng hoảng xăng dầu được kiểm soát sẽ giúp giá cả các loại nguyên nhiên liệu đầu vào khác có cơ hội quay về sát với mặt bằng giá trước đây.

Người dân châu Âu lo giá lương thực tăng

Trong khi đó tại châu Âu, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang đẩy giá nhiên liệu và lương thực, thực phẩm tăng cao. Cuộc sống của người dân ở nhiều nước châu Âu từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Bỉ, Italy, Anh, đang ngày càng khó khăn, bởi họ vốn đã phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao trong cả năm 2021 do lạm phát tăng.

Vài tuần nay, ngày càng có nhiều người Bỉ phàn nàn, khi phải chi tiêu sinh hoạt dè sẻn, vì giá nhiên liệu lại tăng. Lần đầu tiên giá mỗi lít dầu diesel đã xấp xỉ 2,1 Euro, tăng 40% so với năm ngoái.

"Mỗi lần đổ đầy bình nhiên liệu chỉ cho xe của con trai, tôi tốn thêm khoảng 20 Euro", người dân Bỉ chia sẻ.

Doanh nghiệp chấp nhận “bù lỗ” để bình ổn giá - Ảnh 3.

Sự lo ngại của người dân lúc này là nhiên liệu tăng giá khiến lương thực, thực phẩm tăng theo. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

"Nhiều người đang phải chật vật kiếm sống vì giá cả ngày càng leo thang", người dân Bỉ bày tỏ.

Hoàn cảnh còn khó khăn hơn với người dân các nước châu Âu có thu nhập thấp. Tại một số nước Tây Âu, người dân đã đổ xô đi mua nhiên liệu trước khi giá cả biến động thêm.

"Tôi không lo giá ngày mai là bao nhiêu, mà vấn đề là 2 tuần tới giá còn tăng", ông Alejandro Oterino, người Tây Ban Nha, nói.

Theo Bộ Kinh tế Italy và các tổ chức nghiên cứu độc lập của Anh, đà tăng giá nhiên liệu do lệnh cấm vận giữa các nước phương Tây với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy người dân các nước châu Âu vào trạng thái bất an. Sự lo ngại của người dân lúc này là nhiên liệu tăng giá khiến lương thực, thực phẩm tăng theo.

Giá thực phẩm đang chịu áp lực kép từ giá năng lượng và cuộc khủng hoảng Ukraine khiến nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine giảm mạnh. Dù có tâm trạng bất an, nhưng người dân châu Âu chưa thực sự lo ngại về khả năng mất an ninh lương thực.

"Tôi vẫn mua bánh mì, thịt ở các tiệm thường mua, còn pho mát và sữa chua thì tôi chọn mua những gói lớn ở siêu thị thay vì mua ít một để có giá rẻ hơn", bà Christine, người dân Bỉ, cho biết.

Tại một số quốc gia châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, chính quyền đã kêu gọi người dân không tích trữ hàng thiết yếu như dầu ăn, còn ở Bỉ chưa có dấu hiệu người dân tích trữ lương thực.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang khiến các nước châu Âu lâm vào trạng bất an trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng và lương thực. Một số giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng đã được Ủy ban châu Âu đề xuất trong ngày 8/3. Còn việc đảm bảo nguồn cung lương thực cũng sẽ được các nước châu Âu và các nước G7 thảo luận trong 2 ngày tới.

Không chỉ người dân châu Âu, mà ngay cả người dân châu Á như Việt Nam cũng sẽ phải chuẩn bị tâm thế cho việc một số mặt hàng sẽ tăng giá, nhưng hy vọng với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự thích ứng bền bỉ của doanh nghiệp và người dân sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch, sức sống của doanh nghiệp, cuộc sống của các gia đình vẫn duy trì được sự ổn định.

Siêu thị bật chế độ “kiềm giá ”để bình ổn thị trường Siêu thị bật chế độ “kiềm giá ”để bình ổn thị trường

VTV.vn - Dù giá cả hàng hóa đang chịu nhiều sức ép tăng giá do nhiều yếu tố tác động, tuy nhiên các hệ thống bán lẻ cho biết vẫn đang xoay xở kìm giá nhằm bình ổn thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước