Cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Hè Thu, Thu Đông cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, dù vụ Thu Đông đã bắt đầu thu hoạch nhưng nguồn vốn vẫn rất khó tiếp cận.
85 - 90% là lượng tồn kho ở hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ. Khi đầu ra bị hạn chế do dịch bệnh, áp lực về lãi vay cho hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tấn gạo là không nhỏ.
Một doanh nghiệp cho biết đã liên hệ 3 ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn ngoài hạn mức, nhằm thu mua lúa gạo cho nông dân nhưng câu trả lời vẫn là… chờ hội sở.
Nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL vẫn thiếu vốn mua lúa vụ Thu Đông. Ảnh minh họa - Dân trí.
Dù lãi suất của ngành hàng lương thực hiện nay chỉ ở mức 4 - 5%/năm, nhưng để có thể tạm trữ 1.000 tấn gạo, doanh nghiệp cần nguồn vốn lên đến 15 tỷ đồng.
Với những áp lực về đầu ra, lãi vay, sản xuất 3 tại chỗ… hạn mức của hầu hết doanh nghiệp đều không còn. Trong khi đó từ đầu tháng 9, vụ Thu Đông ở nhiều địa phương đã bắt đầu cho thu hoạch.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ thu mua, tiêu thụ lúa gạo của các doanh nghiệp ĐBSCL đến cuối tháng 8 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Trong tình hình khó khăn chung do dịch bệnh, các ngân hàng thương mại còn dè dặt nới rộng hạn mức thì các doanh nghiệp vẫn cần nguồn vốn này để tiêu thụ lúa vụ Thu Đông của toàn vùng, với diện tích khoảng 700.000 ha.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!