Đổ tiền vào "dự án" ma: Người mua liệu có đòi lại được?

Hoàng Nga-Thứ tư, ngày 04/11/2020 11:09 GMT+7

VTV.vn - Người ít thì 300 triệu đồng, người nhiều lên tới 2 tỷ đồng đã nộp vào các dự án ma tại Hà Nội. Liệu họ có đòi lại được tiền cả đời gom góp?

Tại "dự án ma" khu dân cư Golden Lake (tại thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội), bà Bạch Thị Thu Hường, chức danh Tổng Giám đốc đại diện cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Cổng Vàng - gọi tắt là công ty Cổng Vàng, đã ký thỏa thuận đặt mua, Hợp đồng cam kết xây dựng hạ tầng,... với khách hàng đặt mua lô đất, tại vị trí công ty này tự quảng cáo là dự án Khu dân cư Golden Lake.

Tuy nhiên, chính quyền xã Cổ Đông khẳng định khu đất này không phải là đất thổ cư, không được phép xây nhà cửa, mà là đất nuôi trồng thủy sản và đất trồng cây lâu năm được giao cho 1 gia đình canh tác.

Được biết, cá nhân bà Bạch Thị Thu Hường có ký Hợp đồng ủy quyền với ông Nguyễn Thanh Hải và vợ là bà Ngô Thị Chanh (chủ khu đất trên). Bên A – tức cá nhân ông Hải và bà Chanh ủy quyền cho bên B – tức cá nhân bà Hường được quyền giao dịch môi giới, chủ động tìm kiếm đối tượng/được quảng cáo giới thiệu "Thửa đất" tới cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhu cầu nhận chuyển nhượng thửa đất trên. Đồng thời, thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích "Thửa đất" sang đất ở theo quy định pháp luật.

Đổ tiền vào dự án ma: Người mua liệu có đòi lại được? - Ảnh 1.

Thửa đất của công ty Cổng Vàng thực chất là đất nuôi trồng thủy sản và đất trồng cây lâu năm được giao cho 1 gia đình canh tác.

Công ty Cổng Vàng đã vẽ lên 1 dự án với các lô biệt thự, liền kề đẹp mắt. Sau đó thông qua công ty môi giới để bán cho khách hàng.

Theo cơ quan điều tra, đây là chiêu thức đã từng xuất hiện tại nhiều dự án ma khác. Vì không phải là Hợp đồng mua bán, nên các văn bản ký kết giữa Công ty và khách hàng sẽ được quy vào giao dịch dân sự, 2 bên tự thỏa thuận với nhau.

Còn theo phân tích của các luật sư, một khi cơ quan điều tra có kết luận việc mua bán có dấu hiệu lừa đảo, thì vẫn có thể xử lý được trách nhiệm của người bán.

"Khi mà cơ quan công an xác định có dấu hiệu giả mạo, nó là hợp đồng dân sự vô hiệu. Nguyên tắc là 2 bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Đối với số tiền và công an thu giữ được từ chủ đầu tư thì số tiền đó sẽ được niêm phong, huyển qua viện kiểm soát. Sau khi toà ra bản án, thì mới trả lại theo số tiền mà họ đã đóng góp vào". Luật sư Nguyễn Đức Năng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết.

Các luật sư cũng cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của tất cả các bên liên quan: từ chủ đất, công ty lập dự án, đặc biệt là các sàn giao dịch, công ty môi giới đã dẫn dắt khách hàng tới mua đất. Vì thực tế, họ đã được hưởng hoa hồng từ việc bán đất.

Như vậy, người mua tại "dự án ma" vẫn có khả năng đòi lại được tiền. Nhưng rõ ràng quá trình này không hề đơn giản và phải mất nhiều thời gian công sức. Trước mắt, họ phải chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng, sau đó là một quá trình dài nộp đơn tại tòa và chờ kết quả xét xử cuối cùng, chưa kể tới khả năng công ty lập "dự án ma" có thể đã sử dụng tiền vào các mục đích khác, nay mất khả năng hoàn trả lại một số tiền lớn cho khách hàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước