Hôm nay (15/3) là Ngày quyền của người tiêu dùng. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, năm 2022, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đã ghi nhận hơn 11.000 cuộc gọi đến, trong đó có hơn 9.000 cuộc gọi được trả lời và tư vấn các nội dung liên quan đến tiêu dùng, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Câu chuyện đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng càng cấp thiết hơn với sự phát triển của thương mại điện tử.
Là người thường xuyên mua hàng trên các nền tảng trực tuyến, dù rất tiện lợi, nhưng nhiều khi chị Mai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn gặp tình huống "dở khóc, dở cười".
"Mic hơn 1 triệu tôi nghĩ mua nước ngoài hơn 1 triệu là dạng bình thường không quá đắt nhưng cắm vào không chạy, nhờ bạn bè người thân xem thử cũng không hoạt động luôn. Đến khi đó mình có tìm cách nhắn tin lại với shop họ không trả lời", chị Mai chia sẻ.
Câu chuyện đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng càng cấp thiết hơn với sự phát triển của thương mại điện tử. Ảnh minh họa.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2022, thương mại điện tử là ngành được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại nhiều thứ hai, chiếm 14,7%.
Theo Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành ban hành cách đây đã 13 năm, khi thương mại điện tử chưa bùng nổ như hiện nay. Thời gian này, các cơ quan liên quan đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi luật này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Luật sửa đổi đã bổ sung một chương về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch từ xa. Cơ quan thẩm định là Ủy ban khoa học của Quốc hội cũng thẩm định tại 7 tỉnh, thành phố lớn và các bộ ngành, trước khi trình ra Thường vụ Quốc hội xem xét sau mới trình ra Quốc hội".
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng là đơn vị được giao chủ trì luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi cũng đã tổng hợp ý kiến, vướng mắc thời gian qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!