Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 40% thị phần. Do đó, nếu kết quả kiểm tra lần này, tất cả 31 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo của nước ta đạt yêu cầu sẽ có ý nghĩa rất lớn. Cụ thể, kim ngạch cũng như giá trị gạo xuất khẩu theo đường chính ngạch sẽ tăng lên đáng kể.
Một trong những điều kiện quan trọng mà phía Trung Quốc đặt ra là sẽ kiểm tra gắt gao vấn đề về nguồn gốc sản phẩm lúa, gạo. Vì thế, ngay tại thời điểm này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đã tăng cường kiểm tra vùng nguyên liệu của mình.
Để truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu, một công ty chế biến và xuất khẩu gạo ở Tiền Giang đã liên kết với 165 hộ nông dân tại đây sản xuất gần 200 ha theo mô hình "Cánh đồng lớn". Ngoài cung ứng giống lúa chất lượng cao, công ty còn trực tiếp tư vấn, giám sát việc sử dụng phân thuốc của bà con.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 31 doanh nghiệp trong nước được chọn xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc lần này đều có vùng nguyên liệu và cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Theo đánh giá của Tổng cục Kiểm dịch Trung Quốc, yêu cầu về đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu chiếm đến 8 điểm, cao nhất trên tổng thang điểm 100. Yêu cầu này đang hướng ngành lúa, gạo nước ta gắn chặt hơn với các mô hình sản xuất tập trung mà "Cánh đồng lớn" là một điển hình.
Bên cạnh yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, Tổng cục Kiểm dịch Trung Quốc còn kiểm tra khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là gạo xuất khẩu không được nhiễm các loại côn trùng, dịch bệnh…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!