Gia nhập TPP hay các hiệp định thương mại tự do là cánh cửa rộng mở để các DN Việt xuất khẩu nhiều hơn nhưng cũng là thử thách khi hàng hóa các nước ồ ạt vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh hơn. Trong bối cảnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng sẽ được triển khai để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn khá lúng túng.
Một số doanh nghiệp tôn thép trong nước vừa ký vào một văn bản gửi cơ quan chức năng để chuẩn bị khởi kiện bán phá giá đối với mặt hàng tôn giá rẻ nhập khẩu. Vì đây là lần đầu tiên khởi kiện nên đa số các DN vẫn còn khá lúng túng về việc triển khai thủ tục hồ sơ. Trong khi đó, các DN hiện vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể, sâu sát hơn của các cơ quan chức năng.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, vụ kiện mặt hàng tôn mạ khá phức tạp nên hiện vẫn cần phải xem xét kỹ trước khi ra quyết định sẽ kiện bằng biện pháp nào.
Nhiều luật sư cho rằng, việc tiến hành điều tra các hoạt động mang tính chất kỹ thuật của các vụ kiện phòng vệ thương mại không quá khó. Điều đáng lo ngại ở đây là việc các doanh nghiệp phải tìm được tiếng nói chung khi hợp tác triển khai vụ kiện.
Theo cơ quan WTO Việt Nam, đến nay Việt Nam mới chỉ tiến hành được 4 vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong khi đó, các nước sản xuất nằm trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, con số này lên đến hàng trăm vụ.
Quay trở lại câu chuyện của ngành tôn mạ Việt Nam. Nếu so với năm trước hiện số lượng tôn mạ giá rẻ nhập khẩu về đã tăng gấp đôi. Với giá cả được cho là rẻ hơn cả nửa. Lượng tôn nhập khẩu giá rẻ này đang chiếm lĩnh phân khúc trung bình thấp, khiến các DN thiệt hại nặng nề, doanh thu giảm, thậm chí đến 50%. Với diễn biến như trên, kiện chống bán phá giá là giải pháp đang được đặt ra cấp bách để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!