Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL như: gạo, trái cây, thủy hải sản đều bị giảm sức cạnh tranh và đội chi phí lên đáng kể. Chính vì thế, việc xem xét điều chỉnh quy hoạch bến cảng Trần Đề tại tỉnh Sóc Trăng thuộc quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ là cơ sở pháp lý để ĐBSCL có cơ hội xây dựng một cảng biển đầu mối để bứt phá.
Tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, khu vực ngoài khơi nơi tiếp giáp 3 cửa sông đổ ra biển gồm: Mỹ Thanh, Trần Đề và Định An là vị trí được đánh giá phù hợp cho một cảng đầu mối của ĐBSCL. Cách bờ đất liền tỉnh Sóc Trăng 20km, đây là vị trí dự kiến sẽ đặt cảng nước sâu Trần Đề. Với độ sâu duy trì 30m, những con tàu lên đến hàng trăm nghìn tấn có thể đủ điều kiện cập cảng, lấy hàng xuất nhập khẩu ở khu vực này đưa đi thẳng sang Mỹ hoặc châu Âu.
Trong quá trình xem xét điều chỉnh quy hoạch để làm cảng nước sâu của ĐBSCL, các cơ quan chức năng đã đưa ra 5 vị trí có thể lựa chọn gồm: đảo Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau); đảo Nam Du (tỉnh Kiên Giang); ngoài khơi Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu); ngoài khơi Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) và duyên hải gần bờ (tỉnh Trà Vinh). Tuy nhiên, sau nhiều năm xem xét các yếu tố về vị trí, độ sâu, tính kết nối vùng và các loại hình vận tải, khu vực ngoài khơi Trần Đề được cho là có nhiều ưu thế nhất. Tại buổi làm việc gần đây với tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phương án này cần được các bộ ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện.
Sau thời gian dài nghiên cứu cùng nhiều cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT với 13 tỉnh thành ĐBSCL, về cơ bản phương án đặt cảng nước sâu tại Trần Đề đã được thống nhất. Phương án này đã được Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện để tổ chức thẩm định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!