Điều chỉnh giá dịch vụ y tế bảo đảm công bằng trong chi trả chi phí khám chữa bệnh

Theo TTXVN-Thứ tư, ngày 25/04/2018 08:08 GMT+7

VTV.vn - Chiều 24/4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tham gia ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh BHYT.

Chiều 24/4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo tham gia ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC qui định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 37 ngày 29/2/2015 đối với giá dịch vụ bảo hiểm y tế và Thông tư số 02 ngày 15/3/2017 cho giá dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế; trong đó đã qui định mức giá dịch vụ y tế gồm 2/4 yếu tố là chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản. 

Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế thực hiện từng bước, thận trọng, có lộ trình, không thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh, thành phố nên đã vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Đến nay, cả nước đã thực hiện mức giá dịch vụ y tế bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, bảo đảm công bằng trong chi trả chi phí khám chữa bệnh giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và không có thẻ bảo hiểm y tế. 

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Thông tư 37 ban hành và có hiệu lực từ tháng 3/2016. Sau khi ban hành Thông tư do thực tế phát sinh nhiều tình huống và các trường hợp nên Bộ Y tế đã thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành 3 văn bản hướng dẫn. Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế và Bộ Tài Chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã họp bàn về việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh giá tại Thông tư 37. Theo đó, liên bộ đã thống nhất phương án sửa đổi chia thành 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 là đến tháng 5/2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37; giai đoạn 2, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000 đến 3.000 dịch vụ. 

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo xin ý kiến các đơn vị trước khi ban hành Thông tư tại 2 miền Nam, Bắc. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị, các đại biểu tham gia ý kiến cụ thể để Bộ Y tế tổng hợp ban hành Thông tư đảm bảo quyền lợi của người bệnh, cơ sở y tế và cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế theo chỉ đạo của Chính phủ... 

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng tích cực đến người bệnh vì bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo qui chuẩn do Bộ Y tế qui định. Đồng thời, các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất với chất lượng cao hơn giúp tăng chất lượng dịch vụ y tế. Giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế và bệnh viện phải phục vụ tốt hơn thì mới có nguồn thu để trả lương cho cán bộ. Việc điều chỉnh giá đã tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển, mở rộng cung ứng dịch vụ cho xã hội; từng bước giảm và tiến tới xoá bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực công và khu vực tư, giúp y tế tư nhân phát triển bình đẳng với y tế công lập... 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về các nội dung cần điều chỉnh như: Qui định cụ thể các nội dung chi phí trực tiếp được tính trong mức giá khám bệnh (gồm: găng tay, mũ, khẩu trang, điện nước, duy tu, bảo dưỡng máy...); qui định nội dung xác định số lần và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể; việc điều chỉnh giá khám bệnh theo hạng bệnh viện...

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước