Việc điều chỉnh này giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động thích ứng trước diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế và cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, biên độ tỷ giá được điều chỉnh, trong bối cảnh đồng USD đã tăng giá 20% trong năm nay, nhiều đồng tiền khác như đồng Yen của Nhật Bản, đồng Won của Hàn Quốc, đồng Euro hay Bảng Anh rớt giá từ 15% đến gần 30%.
Ông Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết: "Tăng nhanh qua không được, chậm quá cũng không xong, làm sao phải hài hòa lợi ích. Trong bối cảnh đó đòi hỏi chính sách tỷ giá hối đoái nói riêng, chính sách quản lý ngoại hối nói chung phải hết sức linh hoạt. Đến nay tôi cho rằng những bước đi, những công cụ chính sách của Ngân hàng Nhà nước đang thực thi khá phù hợp. Lạm phát chúng ta thấp, năm nay chưa tới 4% thì tôi cho rằng có một phần đóng góp của tỷ giá hối đoái. Lý do là chúng ta để cho đồng Việt Nam mất giá ít".
"Với nền tảng kinh tế phát triển vững chắc của Việt Nam và lạm phát tương đối thấp thì việc điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt là cần thiết. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc sử dụng các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô thận trọng", ông Francois Painchaud - Đại diện Thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định.
Việc điều chỉnh này sẽ tạo dư địa cho tỷ giá biến động linh hoạt, phù hợp với thị trường, hạn chế tâm lý kỳ vọng và hành vi găm giữ ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục phối hợp đồng bộ các công cụ để ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát nhập khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!