Nhìn từ một vài góc độ, điện thoại thông minh (smartphone) ngày nay có thể không còn thú vị như giai đoạn đầu những năm 2010. Nhưng từ chất lượng máy ảnh và thời lượng pin đến khả năng kết nối, thế giới smartphone đã có một bước tiến lớn từ giai đoạn 2011 - 2012 đến nay.
Hãy cùng nhìn lại một chặng đường qua để cảm nhận được smartphone đã tiến xa tới đâu.
* Nâng cao chất lượng màn hình OLED
Cuộc chiến giữa OLED (màn hình đi-ốt hữu cơ phát quang) và LCD (màn hình tinh thể lỏng) từng khá "nảy lửa" trong những ngày đầu của smartphone, với các thiết bị như Samsung Galaxy S và Galaxy S2 sử dụng màn hình OLED, trong khi LG và HTC sử dụng màn hình LCD. Đó là bởi vì màn hình OLED không phải là lựa chọn tối ưu nhất vào thời điểm đó.
Một trong những vấn đề lớn nhất với OLED trong thời kỳ đầu là hiện tượng lưu ảnh màn hình. Tuy hiện tượng cháy màn hình vẫn còn xảy ra vào năm 2021, nhưng những tiến bộ trong lĩnh vực sản xuất tấm màn hình đã giúp giảm thiểu vấn đề này một cách rõ rệt.
Chất lượng tổng thể cũng là một vấn đề đáng kể của OLED đời đầu. Cách đây 10 năm, người dùng rất khó để nhìn được màn hình OLED dưới ánh sáng Mặt Trời trực tiếp. Giờ đây, người dùng có thể thoải mái sử dụng chúng trong mọi điều kiện ánh sáng và có một trải nghiệm hình ảnh cao hơn rất nhiều.
* Hiệu suất không bị sụt giảm theo thời gian
Một vấn đề khác trong những ngày đầu của kỷ nguyên smartphone là hiệu suất bộ nhớ chậm dần theo thời gian. Điều này được thể hiện rõ với máy tính bảng (tablet) Nexus 7 do Google và Asus hợp tác phát triển vào năm 2012.
Ban đầu, Nexus được xuất xưởng với bộ nhớ eMMC (loại bộ nhớ bao gồm cả bộ nhớ flash và bộ điều khiển flash được tích hợp trên cùng một bo mạch) khá chậm. Khi đó, nền tảng Android vẫn gặp khó khăn xử lý bộ nhớ flash, khiến các tablet và điện thoại Android chạy chậm dần theo thời gian.
Rất may, Google đã ra mắt một tính năng tối ưu hóa bộ điều khiển lưu trữ có tên TRIM từ phiên bản Android 4.3 trở đi, cải thiện đáng kể hiệu suất của thiết bị về dài hạn.
* Chuyển danh bạ và dữ liệu cá nhân dễ dàng hơn
Hãy nhớ lại thời khi chuyển điện thoại có nghĩa phải chuyển cả danh bạ theo cách thủ công (có thể bằng cách nhập tay, chuyển qua thẻ SIM hoặc dùng dịch vụ máy chuyển danh bạ của nhà cung cấp dịch vụ). Đó là điều bất cứ người dùng nào cũng e ngại khi đổi điện thoại.
Hiện tại, đó đã là "vấn đề của ngày hôm qua". Ngày nay, người dùng chỉ cần đăng nhập vào tài khoản Google hoặc iCloud của mình trên điện thoại mới và tất cả thông tin danh bạ đều được đồng bộ hóa.
Sự tối ưu của tài khoản Google/iCloud cũng có nghĩa là người dùng có thể nhanh chóng truy cập vào email, thư viện nhạc phát trực tuyến, kho lưu trữ đám mây, bản sao lưu ảnh và video...giữa các điện thoại của mình mà không cần chờ quá trình chuyển đổi từng mất nhiều thời gian.
* Tăng cường khả năng thu phóng hình ảnh
Những smartphone đời đầu có khả năng zoom (thu phóng) hình ảnh khá tệ. Vì các thiết bị khi đó chỉ dựa vào tính năng zoom kỹ thuật số (tức cắt một phần hình ảnh rồi phóng lên) từ camera đơn đằng sau.
Ngày nay, người dùng có thể tìm thấy các smartphone tích hợp một camera có chức năng chụp tele 2X, 3X hoặc 5X với chất lượng hình ảnh vượt trội khi zoom. Khách hàng thậm chí có thể tìm thấy một số điện thoại có tới hai camera tele, một để thu phóng tầm ngắn và một cho tầm xa.
Kể cả những thiết bị tầm trung không tích hợp camera tele cũng có khả năng zoom tốt hơn. Đó là nhờ công nghệ được cải tiến như Super Res Zoom (Thu phóng siêu phân giải) của Google hoặc Hybrid Optic Zoom (Thu phóng quang học kết hợp) của Samsung. LG và các thương hiệu khác cũng sử dụng camera chính có độ phân giải cao từ 48MP đến 108MP, cho phép zoom hình ảnh phạm vi ngắn tốt hơn nhờ vào số điểm ảnh lớn.
* Bộ nhớ trong mở rộng đáng kể
Cách đây một thập kỷ, 8GB bộ nhớ trong là mức tiêu chuẩn cho một smartphone phổ thông, thậm chí các mẫu giá rẻ chỉ có 4GB. Các mẫu cao cấp sẽ có tầm 16GB, 32GB hoặc 64GB bộ nhớ, song chúng đều không cao. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thiếu dung lượng lưu trữ là một trong những vấn đề lớn nhất của smartphone đời đầu.
Đến năm 2021, vấn đề này gần như không còn được để ý như trước. Đó là vì các nhà sản xuất đã tăng dung lượng bộ nhớ trong, khi giá của eMMC và UFS (loại bộ nhớ flash tiêu chuẩn, cung cấp tốc độ đọc và ghi nhanh hơn đáng kể so với eMMC với mức tiêu thụ năng lượng tương đương) đều giảm.
Trên thực tế, những chiếc smartphone giá rẻ có dung lượng từ 32GB đến 128GB đã không còn hiếm. Ngay cả những điện thoại như Redmi 9A có giá chỉ 91 USD cũng tích hợp bộ nhớ trong 32GB, còn thiết bị tầm trung như Samsung Galaxy M12 (181 USD) có tới 128GB.
Một lý do chính khác khiến bộ nhớ không còn được chú ý nhiều là dịch vụ lưu trữ trên đám mây đã phổ biến hơn. Các ứng dụng như iCloud và Google Drive dù bỏ tính năng lưu trữ miễn phí không giới hạn, nhưng vẫn cung cấp một dung lượng miễn phí nhất định cho khách hàng. Chi phí cho những dịch vụ này cũng đã giảm dần, như giá của Google Drive đã hạ từ 5 USD một tháng cho 100 GB xuống còn 2 USD/tháng và giúp nhiều người tiếp cận dịch vụ này hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!