Khoảng thời gian này năm 2015, nhiều dự báo cho rằng thế giới sẽ lụt trong dầu sau khi Iran được dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu và Mỹ lần đầu tiên sau 40 năm cho phép xuất khẩu dầu trở lại.
Tháng 1/2016, ngay sau khi Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu dầu, giá dầu lao dốc xuống ngưỡng 26 USD/thùng, thấp nhất 13 năm. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, giá dầu bắt đầu đi lên nhanh chóng khi dự đoán, khi Nga và Saudi Arabia đánh tín hiệu sẽ đóng băng sản lượng. Dầu vì thế bất ngờ tăng vọt, lên 50 USD/thùng.
Không duy trì được lâu, 3 tháng sau, giá dầu lại quay đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, nhờ những tín hiệu lạc quan về một thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và thực sự là đã đạt được vào tháng 11/2016, giá dầu đã leo dốc thành công, có thời điểm lên mức 54 USD/ thùng. Như vậy, giá dầu đã phục hồi mạnh chỉ trong năm qua.
Đây là một sự trở lại rất ấn tượng. Có thể khẳng định, kết quả này chính là do thỏa thuận lịch sử về cắt giảm sản lượng dầu của các nước trong và ngoài OPEC lên tới 1,76 triệu thùng/ngày từ 1/1/2017.
Hiện nguồn dầu dư thừa mỗi ngày của cả thế giới khoảng 1,5 triệu thùng, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA. Trong khi đó, nếu các quốc gia trong và ngoài OPEC cam kết cắt giảm sản lượng của mình tới 1,76 triệu thùng/ngày như trên, có vẻ như thế giới sẽ thiếu hụt dầu. Liệu nhận định này có đúng trong năm 2017 và giá dầu sẽ tăng lên mức 60 USD/thùng như dự báo hay không?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!