Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn, góp phần đưa việc thu hút FDI trở thành một trong những điểm sáng của tăng trưởng kinh tế của năm nay.
Tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, thuộc khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An, gần 80 ha mặt bằng và hạ tầng đang được khẩn trương hoàn thiện, để chuẩn bị đón các nhà đầu tư nước ngoài đến đặt nhà máy ngay trong năm tới. Vào những ngày cuối năm một dự án có tổng mức đầu tư 590 triệu USD rót vốn về đây đã giúp cho tỉnh Nghệ An đạt được mục tiêu gần 1,7 tỷ USD vốn FDI trong năm nay, đứng trong nhóm các địa phương dẫn đầu của cả nước.
Ngay sau khi được tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cho biết sẽ xúc tiến các thủ tục để sớm xây dựng một nhà máy về may mặc, tạo ra nguồn sản phẩm xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế cho địa phương. Đến nay, Nghệ An đã thu hút gần 160 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mục tiêu đến hết năm sau, tổng vốn FDI rót vào tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 sẽ vượt mốc 5 tỷ USD.
Ông Teng Wei Hong - Tổng Giám đốc Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho biết: "Chúng tôi nhận thấy Nghệ An đã triển khai các chính sách cởi mở, thân thiện và nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư".
11 tháng năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa.
Chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư sẽ tạo lợi thế cho các địa phương trong thu hút đầu tư nước ngoài.
"Chúng tôi tiếp tục thực hiện phương châm về 5 sẵn sàng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ chuẩn bị sẵn sàng về các quy hoạch, cũng như sẵn sàng về mặt bằng đầu tư tức là các khu công nghiệp có hạ tầng. Thứ ba là hạ tầng thiết yếu; thứ tư là cần tăng cường hơn nữa vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực; thứ năm là điều rất quan trọng là luôn luôn đổi mới đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư một cách tốt nhất", ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay: "Chúng tôi thực hiện các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế đến đầu tư tại Thanh Hóa. Ban hành các thể chế để giải quyết các điểm nghẽn với đất đai, môi trường đầu tư, xây dựng, bất động sản".
Xây dựng các quy chuẩn xanh, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xanh và chuẩn bị về hạ tầng, nguồn năng lượng sạch được xem là những công việc cần sớm được thực hiện để Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hứa hẹn cho đầu tư nước ngoài trong dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!