Điểm sáng bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 21/10/2022 23:02 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong báo cáo, bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm đã có nhiều điểm sáng tích cực.

Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Điểm sáng bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. (Ảnh: VGP)

Dự kiến cả năm 2022 sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với khi xây dựng kế hoạch. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%.

Những con số tích cực, biết nói ở trên đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt, điều hành hiệu quả của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ đã được triển khai sớm ngay từ đầu năm 2022, giúp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân; đồng thời tạo động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh.

Chính sách điều hành của Chính phủ tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp

Đại diện các Hiệp hội cho rằng những kết quả của 9 tháng đầu năm là rất đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

"Báo cáo của Thủ tướng ngày hôm qua đã cho thấy một bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam khá ổn định từ đầu năm đến nay. Chỉ số GDP cao hơn so với kỳ vọng. Các bạn bè đối tác, các nhà nhập khẩu nước ngoài của ngành thủy sản chúng tôi đánh giá Việt Nam là một đất nước khá là ổn định về mặt kinh tế - xã hội", bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đánh giá.

"Qua báo cáo của Thủ tướng Chính phủ chúng ta có thể thấy rằng bức tranh kinh tế vĩ mô của nước ta trong bối cảnh rất khó khăn của nền kinh tế thế giới thì bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn có những điểm rất lạc quan. Chúng ta duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và chúng ta duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy giảm và các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng đang từng bước đi vào cuộc sống", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết.

"Chúng tôi đánh giá rất cao và đồng tình với báo cáo của Thủ tướng Chính phủ ngày hôm qua. Báo cáo đã thẳng thắn nêu ra những nguyên nhân và những khó khăn thử thách mà Chính phủ đã làm và phải thực hiện từ giờ đến cuối năm", ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh, nêu quan điểm.

Từ đầu năm nay đến nay, cơ quan thuế trên cả nước đã gia hạn được trên 91.000 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp. Hàng chục nghìn doanh nghiệp trên cả nước đã được thụ hưởng chính sách này, có thêm nguồn vốn lớn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đơn hàng xuất khẩu của Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn đã lấp đầy hết năm với các khách hàng chính từ thị trường châu Âu và Mỹ. Đại diện doanh nghiệp cho biết, bên cạnh việc nắm bắt cơ hội, sự trợ lực của Chính phủ có tác động rất tích cực.

"Không thể nào một mình mà thực hiện được kế hoạch hồi phục được nếu như không có chính sách của Chính phủ, trong đó cái gói mà đang có tác động nhất đến hoạt động tài chính đó là được giãn bảo hiểm xã hội và thuế", ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, nhận định.

Xuất khẩu tăng 15%, việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn tốt hơn so với thời điểm trước dịch vì có nguồn tài chính dồi dào, một phần là nhờ vào nguồn tiền trên chục tỷ đồng được giãn hoãn thuế từ chính sách của Nhà nước.

"Số tiền này giúp cho doanh nghiệp chúng tôi quay vòng sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho công nhân, cụ thể, năm trước 370 người thì nay tăng lên 400 người. Thu nhập tăng lên từ 9 triệu lên mức 11 triệu đồng/người/tháng", ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Prime Tiền Phong, cho biết.

9 tháng năm 2022, đã có hơn 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều này đã cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã trở lại thị trường sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Giải ngân vốn thực hiện FDI tăng cao nhất 5 năm qua

Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang có niềm tin vào chính sách điều hành của Chính phủ. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội ngày 20/10 đã cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Điều đáng nói, nguồn vốn nước ngoài đang ngày càng được nâng cao về chất lượng, đầu tư nhiều hơn vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao hay các dự án xanh.

Với công suất khoảng 40 triệu m2 băng dính mỗi năm, công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng (doanh nghiệp FDI đến từ Đức) sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

"Khi cân nhắc lựa chọn đặt nhà máy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định. Rất nhiều đối tác, khách hàng của chúng tôi đã hoạt động ở Việt Nam cũng giúp chúng tôi thuận lợi trong giao thương, vận chuyển hàng hóa", ông Dirk Hartmann, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng, cho biết.

Khu công nghiệp này đã được nhà đầu tư từ Bỉ rót vốn để xây dựng theo mô hình khu công nghiệp sinh thái chất lượng cao với nhiều tiện ích xanh, đến nay đã thu hút được hơn 140 dự án đầu tư nước ngoài.

"Chúng tôi đang cố gắng phát triển các tổ hợp các ngành công nghiệp khác nhau, tạo giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế của vùng. Việt Nam đang trở thành một trong những nước sản xuất nhiều tấm năng lượng mặt trời nhất trên thế giới. Sản xuất một tấm pin năng lượng mặt trời là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều nhóm ngành, nhiều nhà cung cấp khác nhau, từ đó sẽ tạo ra một cụm công nghiệp, kết hợp và làm việc chặt chẽ với nhau", ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Khu công nghiệp DEEP C, TP Hải Phòng, cho hay.

Hơn 1.355 dự án mới đã được cấp chứng nhận đầu tư trong 9 tháng năm nay. Trong chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài Chính phủ mới ban hành cũng đặt mục tiêu thu hút các dự án sử dụng công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao bởi những dự án này sẽ có tác động lan tỏa tích cực, kết nối các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Các tổ chức quốc tế đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm

Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đánh giá về báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội ngày 20/10, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín và các chuyên gia đã tin tưởng và đưa ra triển vọng khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong năm tiếp theo.

"Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, lạm phát nhiều nền kinh tế tăng cao, lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt. Bình quân 9 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 2,7%, mức này thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước OECD. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia tránh được suy thoái liên quan tới COVID-19", Phó Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Yoshiki Takeuchi đánh giá.

"Chính phủ Việt Nam đã làm được việc đáng ngưỡng mộ trong năm nay dù chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19. Đó là ngay từ nửa đầu năm 2022 đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế và ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến nửa sau của năm, Chính phủ chuyển trọng tâm, tập trung hơn vào việc giảm áp lực lạm phát. Chính sách điều hành tỷ giá hối đoái đã được thực hiện hiệu quả, quản trị được sự giảm giá của VND theo cách giảm lạm phát nhập khẩu. Đây là yếu tố rất quan trọng", bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận xét.

"Tôi cho rằng các động lực tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam, bao gồm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI khi Việt Nam vẫn tiếp tục là 1 nước rất hấp dẫn FDI. Xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong 5 - 6 tháng tới. Sự gia tăng tầng lớp trung lưu, làm tăng mức tiêu dùng nội địa và quan trọng là những chỉ đạo, điều hành rất sát của Chính phủ", Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới, quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bằng cách tinh giản tối đa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%, hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Ngoài ra, việc đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công cũng là nhiệm vụ quan trọng để kinh tế nước ta hoàn thành toàn diện các mục tiêu của năm 2022, tạo thế, lực, đà và niềm tin cho quá trình phát triển năm 2023 và những năm tiếp theo.

[INFOGRAPHIC] Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 [INFOGRAPHIC] Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV: Ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022

VTV.vn - Năm 2022, có 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội ước tính đạt và vượt: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước, GDP bình quân đầu người, Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước