Đề xuất thêm ưu đãi cho nhà ở xã hội

VTV Digital-Thứ năm, ngày 27/03/2025 09:35 GMT+7

VTV.vn - Tại dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Nhiều ưu đãi mới cho chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội đã được đề xuất.

Từ đầu năm tới nay, nhà ở xã hội, một loại hình bất động sản đặc thù, được Nhà nước hỗ trợ, dành cho những người có thu nhập thấp mua với mức giá ưu đãi, đã làm nóng thị trường bất động sản tại nhiều địa phương. Cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội cụ thể cho từng địa phương. Đây là bước triển khai quan trọng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, trong giai đoạn 2021 - 2030.

Đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Để triển khai các nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng hiện đang lấy ý kiến dự thảo nghị định thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, để trình Quốc hội thông qua. Trong đó, nhiều ưu đãi mới cho các chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội đã được đề xuất.

Với sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp, giá nhà đất tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã tăng khá nhanh thời gian qua. Một căn nhà nhỏ trong khu dân cư, trung bình cũng phải từ 2-3 tỷ đồng. Rất khó để người lao động có thể mua được. Vì vậy, không khó lý giải khi các căn hộ nhà ở xã hội, có giá bán từ 700 triệu tới hơn 1 tỷ đồng, đã nhanh chóng bán hết.

"Khá là vất vả đi mua nhà, giá nhà ở Bắc Ninh cũng khá cao rồi, cũng may có thông tin nhà ở xã hội ở đây giá cả phù hợp", chị Nông Thị Huế, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

Tuy nhiên, để 1 dự án nhà xã hội hình thành, các chủ đầu tư đã trải qua rất nhiều bước thủ tục đâu tư. Như dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp xây dựng, riêng thời gian làm thủ tục đầu tư tới khi được cấp phép xây đã mất tới 5 năm.

Mặc dù những tòa chung cư nhà ở xã hội đã được xây cao và sắp cất nóc, tuy nhiên, tới thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa thể bán đến tay người dân, bởi lẽ họ cần chờ thêm 1 khâu phê duyệt giá bán từ Sở Xây dựng địa phương. Đây là 1 khâu thủ tục tăng thêm so với nhà ở thương mại, khiến các dự án nhà ở xã hội mất nhiều thời gian hơn.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, 2 ưu đãi nổi bật đối với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được đưa ra. Đầu tiên, chủ đầu tư sẽ được nâng mức lợi nhuận từ 10% hiện nay, lên mức tối đa là 13%. Thứ hai, Bộ đề xuất giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu, mà dựa trên sự phân công của cơ quan có thẩm quyền. Tức là sẽ giảm được khâu đấu thầu chọn chủ đầu tư, thường phải mất từ 6-12 tháng.

"Làm không khéo là lỗ. Trong suốt những năm tháng rất dài về thủ tục đầu tư, khó khăn trùng điệp, gỡ hết cái này lại vướng tới cái kia. Nếu mà được Quốc hội thông qua, đây là tín hiệu may mắn đối với các chủ đầu tư", bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tùng Bách chia sẻ.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại xây dựng Lê Thành cho hay: "Chúng ta rút ngắn thời gian 50% làm thủ tục, cái đó nó sẽ tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư, nó còn làm giảm giá thành nhà ở xã hội".

Ngoài các đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng, từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực từ cuối năm 2024, các ưu đãi cho nhà ở xã hội đã được tăng thêm. Điển hình như doanh nghiệp được tự quyết định giá bán phần thương mại trong dự án, để bù đắp chi phí, chứ không bị đóng khung chung lợi nhuận không quá 10% như trước. Các điều kiện cho người mua cũng đã được nới lỏng hơn như: tăng mức thu nhập được mua nhà ở xã hội từ 11 triệu lên 15 triệu đồng/tháng, bãi bỏ điều kiện cư trú tại địa phương.

Tăng sức hấp dẫn cho nhà ở xã hội

Đề xuất thêm ưu đãi cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Sẽ thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội.

Với những nỗ lực ưu đãi, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, từ đầu năm tới nay cho thấy hàng loạt các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nôi, Vĩnh Phúc, Hà Nam… đã lần lượt được khởi công xây dựng. Đây là tín hiệu tích cực, đem lại hi vọng sớm có nhà ở cho những người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Góp ý cho dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, một số địa phương và doanh nghiệp đã có thêm các đề xuất đáng chú ý.

Một dự án nhà ở xã hội với 20 toà, được xây dựng tại Yên Phong, Bắc Ninh. Chủ đầu tư cho biết, từ khi xin thủ tục tới khi dự án xây dựng xong thì mất thời gian 5 năm. Với các đề xuất mới về tháo gỡ khó khăn, 1 dự án như thế này sẽ chỉ mất 3 năm. Như vậy, thời gian để người dân nhận được căn hộ nhà ở xã hội sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Bên cạnh quy trình thủ tục đầu tư rút gọn, với kinh nghiệm hơn 10 năm chuyên làm các dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp kiến nghị một số địa phương có thể làm thí điểm việc xây dựng giá trần hàng năm. Ví dụ, tại một tỉnh, quy định mức giá trần là 15 triệu đồng/m2, với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng rõ ràng, mà không cần phải có thêm khâu phê duyệt giá bán cho từng dự án, không cần quy định mức lợi nhuận.

Ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cát Tường cho hay: "Các chủ đầu tư chỉ được bán cao nhất bằng giá trần, sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư người ta nghiên cứu tìm tòi, có giải pháp để giảm giá thành cho nhà ở xã hội, nhờ giảm giá thành lợi nhuận của chủ đầu tư cao hơn, người mua nhà sẽ có cơ hội tiếp cận nhà giá tốt hơn".

Mặc dù quy định về các đối tượng mua nhà ở xã hội đã khá rõ ràng, nhưng vẫn còn một số điểm cần làm rõ. Đơn cử như gần đây, một số người mua là lao động tự do phản ánh, họ khó xin xác nhận mức thu nhập cá nhân. Dù theo quy định, đối tượng này sẽ nộp đơn đề nghị xác nhận lên Ủy ban nhân dân cấp xã, nhưng cấp xã lại khó có cơ sở để xác nhận.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết: "Cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, quy định trong việc mua bán xác nhận các đối tượng về nhà ở, thu nhập để đảm bảo tính đồng bộ, với các cơ chế chính sách mới".

Tại Hà Nội, thành phố sẽ triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn trên địa bàn. Theo đại diện Sở Xây dựng thành phố, việc thực hiện dự án có thể nhanh hơn nếu có sự tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước, tạo ra các dự án có quy mô hàng nghìn căn hộ trong 1 dự án, thay vì các dự án nhỏ, nằm xen kẹt, chỉ có 100-300 căn hộ, cùng với các hạ tầng tiện ích kèm theo.

Ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Giao trực tiếp cho các Tổng công ty 100% vốn Nhà nước thì không mất thời gian chọn chủ đầu tư và có thể triển khai được ngay".

Ghi nhận từ một số địa phương cũng cho thấy, bên cạnh các dự án nhà ở xã hội xây tới đâu, bán hết tới đó, vẫn còn những dự án bán hàng chậm, ít người đăng ký mua. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đề xuất, các địa phương cần có thêm bước khảo sát nhu cầu của người mua nhà ở xã hội, thông qua tổ chức công đoàn của các cơ quan, doanh nghiệp, hoặc lấy ý kiến tại cấp xã, phường. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.

Thực tế khi có khảo sát về nhu cầu nhà ở xã hội từ các đơn vị cụ thể, thì cũng sẽ tạo cầu nối để người dân nắm rõ hơn về quy trình, điều kiện, thủ tục để mua nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp và đại diện Sở Xây dựng một số địa phương cho rằng, cách làm này sẽ giảm thiểu được rủi ro người dân tin theo các môi giới trung gian để mua nhà ở xã hội, tránh các sự cố mất tiền đáng tiếc như đã xảy ra thời gian qua. Còn doanh nghiệp sẽ nắm rõ được nhu cầu từ phía người dân, để tính toán đầu tư số lượng, hay thiết kế căn hộ phù hợp, tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước