Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong cho thuê tài chính

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 13/08/2023 11:25 GMT+7

VTV.vn - Tạo hành lang pháp lý hoàn thiện sẽ giúp cho thuê tài chính thực sự trở thành điểm tựa tài chính cho doanh nghiệp.

Cho thuê tài chính, giải pháp giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư mà không cần tài sản thế chấp, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng dư nợ.

Cho thuê tài chính là hình thức cấp vốn trung và dài hạn thông qua cho thuê tài sản. Đã có ở Việt Nam từ hơn 20 năm trước, nhưng đến nay cho thuê tài chính vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Dư nợ cho thuê tài chính còn thấp

Điểm khác biệt lớn nhất của cho thuê tài chính là không phải bạn vay tiền, mà là thuê tài sản được hình thành từ vốn vay. Giả sử doanh nghiệp cần tiền để mua chiếc máy tính, doanh nghiệp sẽ không đến gõ cửa ngân hàng vay như thông thường, mà sẽ đến công ty tài chính, nói là tôi muốn mua chiếc máy hiệu gì, có chức năng ra sao, sau đó công ty sẽ tính toán phương án mua chiếc máy này về và cho doanh nghiệp thuê lại.

Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho thuê tài chính khoảng gần 45.000 tỷ đồng, tương đương 0,33% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong cho thuê tài chính - Ảnh 1.

Cho thuê tài chính mới chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng dư nợ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Trong khi tại nhiều nền kinh tế khác, như tại Trung Quốc, cho thuê tài chính chiếm đến 10% dư nợ, Đức 18% dư nợ, Hoa Kỳ khoảng 22%.

Tại Việt Nam, dịch vụ cho thuê tài chính đã bắt đầu tiếp cận được một số doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cho thuê tài chính cấp vốn trung, dài hạn kịp thời cho doanh nghiệp

Hệ thống dây chuyền sản xuất ống inox có giá trị khoảng 50 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp phải bỏ ra ngay lập tức số tiền này thì sẽ là quá lớn. Thay vì vay ngân hàng, họ đã chọn giải pháp là cho thuê tài chính, tức là thuê lại chiếc máy này từ một công ty cho thuê tài chính, và họ chỉ phải bảo ra từ 20 - 30% giá trị là đã có tài sản để đưa vào sản xuất.

Không phải vay ngân hàng, không phải thế chấp nhà đất, việc thuê tài sản theo cách này giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa máy móc và vận hành, sớm đáp ứng được các đơn hàng.

"Nó sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra được quyết định ngay, quyết định sớm hơn nhiều so với việc phải nộp đơn lên và xin thẩm định của ngân hàng, trước khi ngân hàng ra quyết định cho vay hay không. Bởi vì đã có được nguồn vốn vay nên nó sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi áp lực về dòng tiền, rủi ro về lạm phát trong trường hợp phải ngồi đợi quá lâu về mặt phê duyệt", ông Trần Cứu Quốc, thành viên Ban Điều hành Tập đoàn Sơn Hà, cho biết.

Công ty Junk&Co Vietnam cũng thuê 4 chiếc xe tải, được công ty cho thuê tài chính hỗ trợ 70% giá trị chiếc xe.Là một doanh nghiệp có vốn ở Nhật Bản, họ đã quen với việc thuê tài sản, vừa kịp thời có thiết bị, vừa giảm thiểu rủi ro trong hoạt động.

"Ví dụ như chúng tôi đầu tư tài sản bằng vốn tự có, thì chúng tôi sẽ phải bỏ ngay một số vốn lớn từ ban đầu, nhưng chúng tôi cũng không chắc rằng việc đầu tư tài sản đó có hiệu quả trong tương lai hay không. So với thuê tài chính, chỉ cần bỏ ra vốn nhỏ thôi là có rồi, chúng tôi được phân chia đều số tiền mua tài sản trong một thời gian dài, giúp giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu", ông Takatoshi Nakamura, Giám đốc điều hành Junk&co Vietnam, chia sẻ.

Dịch vụ cho thuê tài chính được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng. Công ty BSL tính toán, mức chi để nhập khẩu máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình từ 3 - 6% trong năm nay, ước tính đạt trên 46 tỷ USD. Đây sẽ là dư địa tốt để các công ty cho thuê tài chính đẩy mạnh cho vay.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong cho thuê tài chính - Ảnh 2.

Các tài sản cho thuê tài chính thường là các khoản cấp vốn trung và dài hạn, có thể lên tới 5 - 10 năm hoặc hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Các máy móc thiết bị trung, dài hạn sẽ bổ sung cho tín dụng ngân hàng. Thông thường, chúng tôi cho thuê từ 70 - 80% giá trị tài sản. Tuy nhiên cũng có những loại tài sản, có những khách hàng chúng tôi sẵn sàng tài trợ lên đến 90%", ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc BSL, cho hay.

Các tài sản cho thuê tài chính thường là các khoản cấp vốn trung và dài hạn, có thể lên tới 5 - 10 năm hoặc hơn, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Mức lãi suất đang được dao động phổ biến từ 9 - 11% một năm.

Gỡ khó trong cho thuê tài chính

Những vướng mắc về pháp lý cũng được nhiều doanh nghiệp phản ánh. Qua thực tiễn triển khai, một số điều kiện không còn phù hợp với bối cảnh mới và cũng thể gây hiểu nhầm, rủi ro cho công ty cho thuê tài chính trong hoạt động. Ví dụ như các công ty không được cho thuê tàu bay, máy bay vì đây là lĩnh vực đặc thù, an ninh, an toàn. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ cũng có nhiều thiết bị bay như máy bay không người lái dùng để bón phân trong nông nghiệp, những quy định dạng như thế này được nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần điều chỉnh.

"Những nhóm khách hàng kinh doanh vận tải, biển sẽ là cấp theo biển xanh hay biển vàng. Ví dụ, trong thời gian cho thuê tài chính, các tài sản đó sẽ đứng tên các công ty cho thuê tài chính, nghĩa là các công ty không kinh doanh vận tải, như vậy biển cấp sẽ là biển trắng, nhưng đơn vị thực tế sử dụng lại là những đơn vị kinh doanh vận tải thì họ lại phải sử dụng biển vàng. Như vậy luật của chúng ta chưa rõ ràng về việc đối với sự giao thoa giữa công ty cho thuê tài chính và đơn vị thuê tài chính sẽ được quy định cụ thể như thế nào", ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Cho thuê tài chính VietinBank Leasing, cho biết.

"Các văn phòng đại diện của nước ngoài đến đây hoạt động muốn thuê tài chính thì chúng tôi không hiểu là có được cho thuê hay không. Vì họ đến đây thuê, họ thuê hoạt động thì được nhưng muốn thuê tài chính thì chúng tôi chưa thấy có văn bản. Ví dụ như thuê xe ô tô, máy photocopy, ở nước ngoài họ đã quen đi thuê những tài sản này. Chúng tôi cũng đang rất vướng trong câu chuyện này", ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc BSL, nói.

Hiện mới có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính. Để mở rộng hoạt động, các doanh nghiệp đề xuất cần mở rộng phạm vi cho phép cho vay với mục đích kinh doanh, đồng thời cho phép thực hiện một số nghiệp vụ khác như cho vay trả góp hay bao thanh toán.

"Trong khi các hoạt động cho vay thông thường là mối quan hệ hai bên, giữa bên cho vay và bên vay, thì hoạt động cho thuê tài chính là quan hệ ba bên, có 2 hợp đồng riêng biệt, một là giữa bên mua và bên bán thiết bị, hai là bên cho thuê và bên thuê. Việt Nam cần sửa đổi trong khuôn khổ pháp lý. Ví dụ trong Bộ luật Dân sự không có quy định cụ thể về cho thuê tài chính. Còn Luật Tổ chức tín dụng chỉ quy định về cấp phép và quản lý đối với các tổ chức tài chính và các quy định về công ty cho thuê tài chính không rõ ràng", ông Jinchang Lai, chuyên gia trưởng Nhóm tư vấn các định chế tài chính, IFC, nhận định.

"Các công ty tài chính khá là hạn chế về huy động vốn, ví dụ như chỉ được phép huy động vốn trung, dài hạn từ các ngân hàng mẹ. Trong khi đó nhiều công ty tài chính không có ngân hàng mẹ. Họ được huy động vốn từ một số tổ chức kinh tế khác, nhưng chủ yếu là ngắn hạn. Trong khi họ cho thuê tài sản trung, dài hạn", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho hay.

Tạo hành lang pháp lý cho thuê tài chính Tạo hành lang pháp lý cho thuê tài chính

VTV.vn - Nhiều diễn giả cho biết hình thức cho thuê tài chính còn thiếu hành lang pháp lý, nhiều quy định chưa rõ ràng, khiến các công ty gặp lúng túng khi cho thuê.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước