Ảnh minh họa.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo hướng dẫn chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, trên cơ sở Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, trong đó đáng chú ý đó là đề xuất lao động đang phải thuê nhà, ở trọ sẽ được hỗ trợ 500.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.
Cụ thể, đối với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, được đề xuất mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng.
Điều kiện hỗ trợ với nhóm lao động này là ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động được giao kết và thực hiện trước ngày 1/1/2022. Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Với người lao động quay trở lại thị trường lao động, hỗ trợ hàng tháng 1.000.000 đồng/người/tháng.
Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022; Đang tham gia BHXH bắt buộc.
Trường hợp người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Dự thảo nêu rõ, người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong 5 ngày.
Trường hợp có ý kiến phản ánh hoặc cần xác minh thêm, thời hạn giải quyết trong 2 ngày. Trước ngày 15 hàng tháng, doanh nghiệp gửi danh sách đề nghị hỗ trợ tới cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 ngày.
Hồ sơ gửi về UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chậm nhất là 31/7/2022. Sau 2 ngày, UBND cấp huyện sẽ trình lên UBND cấp tỉnh. Đến 2 ngày kế tiếp, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt và cập nhật kết quả vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Người lao động nhận hỗ trợ sau 2 ngày nữa, khuyến khích qua tài khoản ngân hàng.
Dự thảo cũng nêu rõ, nguyên tắc hỗ trợ là đảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Không hỗ trợ đối với người lao động không có đề nghị, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng và không quá 3 tháng.
Thống kê cho thấy cả nước có khoảng 70% lao động đang thuê trọ ở các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2/người. Hơn 1,7 triệu công nhân cả nước cần chỗ ở ổn định, trong khi thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng. Người lao động hầu như không có khả năng tích lũy mua nhà.
Kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển DN tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong một tháng, 37% chỉ đủ trong 3 tháng, hơn 4% đủ trên 4 tháng.
Khoảng 2,2 triệu người về quê do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư. Đại dịch khiến lao động khu vực chính thức có xu hướng dịch chuyển sang khu phi chính thức. Số lao động tự do tăng cao nhất trong ba năm gần đây, chiếm 57% tổng số lao động có việc làm. Song gói hỗ trợ chỉ áp dụng cho lao động khu vực chính thức, chưa đề cập tới khu phi chính thức, nơi có khoảng 28 triệu người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!