Cụ thể, Hà Nội đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế biệt thự bỏ hoang từ 3 tháng trở lên với mức áp thuế dự kiến khoảng 5% trên giá trị hợp đồng. Nếu sau một năm, biệt thự vẫn chưa được đưa vào sử dụng, mức thuế sẽ nâng lên 10% trên tổng giá trị biệt thự.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu những căn biệt thự bỏ hoang, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn. Đề xuất này được đưa ra khi tình trạng các khu đô thị hoang xuất hiện ngày một nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị.
Trước đó, năm 2011, Bộ Tài chính đã từng xây dựng và hoàn thiện biểu thuế áp dụng đối với các trường hợp biệt thự bỏ hoang để lấy ý kiến, với đề xuất áp dụng thu thuế theo thời gian bỏ hoang.
Mức đề xuất tương tự như Hà Nội vừa kiến nghị với Bộ Tài chính. Trong năm 2011, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi hàng loạt các chủ đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn, yêu cầu hoàn thiện nhà bỏ hoang với những căn hộ đã có chủ đến hết quý 2/2011. Nếu chủ nhân không hoàn thiện sẽ phải bán lại cho chủ đầu tư theo giá bán tại thời điểm ký hợp đồng giữa hai bên.
Tuy nhiên, những đề xuất trên cũng chỉ nằm ở trên giấy và theo thời gian, nhiều năm trôi qua, số biệt thự bỏ hoang tiếp tục gia tăng.
Bất động sản bỏ hoang - nguồn đất đai bị lãng phí
Hà Nội hiện đang có hàng trăm dự án bất động sản, dù đã hàng thập kỉ nhưng vẫn chậm triển khai "ôm đất" bỏ hoang lãng phí. Ví dụ địa bàn huyện Mê Linh hiện có 47 dự án bất động sản quy mô tới 10 - 100 ha/dự án nay vẫn trong tình trạng dở dang.
Tính đến cuối tháng 3/2021, Hà Nội có tới gần 1.000 dự án treo. Nếu chỉ xét riêng về các dự án hạ tầng đô thị, con số dự án chậm triển khai theo số liệu công bố của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chiếm tới 2/5, tương đương gần 400 dự án.
Các vi phạm chủ yếu như chưa giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành quy hoạch, sử dụng sai mục đích…
Các vi phạm trên không mới, một số dự án chậm tiến độ kéo dài đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, song chưa được tập trung giải quyết triệt để. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân và bộ mặt đô thị, đặc biệt trong bối cảnh, quỹ đất ngày càng khan hiếm.
Hà Nội đề xuất đánh thuế đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Ảnh - Dân trí.
Nhiều bức xúc khi bất động sản bị bỏ hoang
Dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh nằm ở vị trí đắc địa, ngay gần UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội nhưng gần chục năm nay, dự án vẫn bị bỏ hoang.
Các hộ gần trong vùng quy hoạch dự án cho biết, họ không được phép xây nhà, cũng không mua bán được. Dự án đã được đổi chủ nhưng vẫn chưa có chuyển biến gì.
Tại Mê Linh, một khu đô thị cũng được san lấp mặt bằng từ đầu những năm 2000 nhưng sau hàng chục năm triển khai, khu đô thị về cơ bản vẫn trong tình trạng hoang tàn với hàng chục ha đất bỏ hoang, số nhà có người ở chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Anh Nguyễn Đắc Lưu, huyện Mê Linh, TP Hà Nội nói: "Khu này người dân cũng bức xúc lắm. Đã lâu năm rồi họ lấy đất làm đô thị nhưng không có ai ở".
"Đất này khi đó chúng tôi bán là rất rẻ, với giá 18 triệu/sào 360m2. Trong khi đó, trên hứa là bán để trả dịch vụ, nhưng đến giờ dịch vụ của dân là không thấy gì suốt 20 năm nay", ông Nguyễn Xuân Chờ, huyện Mê Linh, TP Hà Nội bức xúc.
Những con số Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh mới đưa ra cho thấy nguồn cung nhà trung cấp và cao cấp đang áp đảo nhà giá rẻ.
Có rất nhiều lý do khi đề xuất đánh thuế bất động sản bỏ hoang được Hà Nội đưa ra. Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia. Thậm chí, nhiều quan điểm cho rằng, nó cần được nhân rộng ra cả nước khi tình trạng nhiều căn biệt thự có người mua nhưng không người ở diễn ra ở khắp các tỉnh thành.
Những con số Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh mới đưa ra cho thấy nguồn cung nhà trung cấp và cao cấp đang áp đảo nhà giá rẻ dẫn đến tình trạng lệch pha cung cầu diễn ra dai dẳng nhiều năm qua.
Làm sao để đánh thuế bất động sản bỏ hoang khả thi?
Theo các chuyên gia sẽ có nhiều mặt lợi nếu áp được thuế đối với bất động sản bỏ hoang. Tuy nhiên, điều này có thể vấp phải phản ứng của người dân.
Bởi theo quy định của pháp luật, người dân có quyền được sở hữu tài sản của mình và chỉ bị xử phạt trong trường hợp họ vi phạm các quy định liên quan đến đầu tư, mua bán, trật tự xây dựng... Trong trường hợp họ không xây dựng sai phép, chưa hoàn thiện căn nhà việc đó cũng là quyền lợi của họ?
Quyền sở hữu và quyền khai thác, quyền sử dụng đất của người dân vẫn phải tôn trọng nhưng nó phải gắn liền trách nhiệm khi sử dụng dịch vụ. Khi sử dụng nhiều tài nguyên thì phải nộp thuế nhiều và cũng không thể nói thu thuế là thu được ngay nếu không dựa trên cơ sở pháp luật. Do vậy, nếu muốn làm được điều này cần phải có sửa luật, có những quy định mới cụ thể rất rõ ràng về các tiêu chí đánh thuế, mức thuế suất, các cái điều kiện liên quan khác.
Như vậy, còn rất nhiều việc cần phải giải quyết nếu thực sự muốn sử dụng công cụ thuế để xoá sổ bất động sản bỏ hoang. Vì ngay như việc chứng minh thế nào là biệt thực bỏ hoang, liền kề không người ở nếu xác định bằng cảm tính hay quan sát chủ quan từ bên ngoài chắc chắn chủ sở hữu sẽ phản đối. Tuy nhiên, không phải là không có cách xử lý các vướng mắc này.
Hàng loạt biệt thự bỏ hoang nhiều năm ở Hà Nội. Ảnh: NLĐ.
Hơn 10 năm nay, đề xuất của Bộ Tài chính về đánh thuế bất động sản bỏ hoang vẫn chưa thể triển khai trong thực tiễn bởi cơ quan quản lý đang vướng ở chỗ không tìm ra cách nào chứng minh biệt thự nào bỏ hoang, biệt thự nào có người ở. Do đó, cần làm rõ khái niệm thế nào là "bỏ hoang" ngay từ đầu.
Trong trường hợp khu đô thị bỏ hoang vì hạ tầng yếu kém, không đúng tiến độ, xuất phát do chủ đầu tư, hay do quy hoạch thì lúc này trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong việc sử dụng đúng công năng của công trình cần được phân định rõ ràng để tránh thuế đánh bị sai đối tượng.
Một vướng mắc khác khiến dù luật thuế đã có quy định đánh thuế cao đối với trường hợp đất bỏ hoang nhưng chưa thu được do còn có một khoảng trống lớn về cơ sở dữ liệu đất đai dẫn đến tình trạng khó kiểm soát và bỏ lọt các đối tượng chịu thuế.
Kinh nghiệm các nước sử dụng thuế triệt bất động sản bỏ hoang
Trên thế giới, thuế và các loại phí sử dụng đất đai... được nhiều quốc gia sử dụng rất mạnh tay. Các nước đánh thuế nhà đất rất cao, nhà đất không được sử dụng càng bị đánh thuế cao. Như vậy không ai dám đầu cơ, người có nhà buộc phải đến ở hay cho thuê.
Tại Mỹ, việc đánh thuế bất động sản tại mỗi tiểu bang là khác nhau do giá trị bất động sản ở các bang khác nhau. Ví dụ như tại California, thuế suất là hơn 1,2%/giá trị bất động sản tại thời điểm bán một năm. Còn tại bang Texas, thuế suất là hơn 4%.
Khoản thuế bất động sản này áp dụng hàng năm đối với mọi loại hình là nhà hoặc đất nền, bất kể có được sử dụng hay không. Nếu người chủ không đóng, nợ thuế cộng với lãi suất sẽ bị gán vào tài sản và sẽ bị thu hồi khi tài sản đó chuyển nhượng.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), mức thuế lại phân biệt theo từng phân khúc bất động sản như áp dụng mức thuế suất sẽ là 1,2% - 2% giá trị đối với nhà chung cư; khoảng 1,4% đối với nhà riêng.
Cách đánh thuế tương tự cũng được Hàn Quốc áp dụng. Chẳng hạn như đánh thuế 0,15% - 0,5% đối với nhà riêng; 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn. Mức thuế được tính trên bảng giá đất do địa phương ban hành.
Nước Nhật đánh thuế bất động sản từ 1,4% - 2,1% trên giá trị cả nhà và đất tính theo giá thị trường và được điều chỉnh 3 năm một lần.
Ở Việt Nam, hiện mức thuế thu từ đất đai mới khoảng 0,03% giá trị của bất động sản. Đó cũng là lý do tại sao bất động sản vẫn đang bị bỏ hoang gây lãng phí nhiều.
Đất đai bị chiếm giữ đầu cơ lại không bị chính sách thuế khóa hạn chế nên dẫn đến đất đai bị hoang hóa kéo dài. Khi thuế tăng lên hiện tượng đầu cơ, tích trữ giảm, về lâu dài sẽ tốt cho thị trường bất động sản, giảm đầu cơ giá nhà sẽ giảm. Lúc đó sẽ tạo được cơ hội tiếp cận bất động sản công bằng hơn cho mọi người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!