Đề xuất cách tính giá xăng dầu mới, 1 tháng điều chỉnh 3 lần

Theo Dân trí-Thứ ba, ngày 22/09/2020 16:35 GMT+7

Đề xuất cách tính mới với giá xăng dầu, thời gian điều chỉnh 3 lần/tháng.

VTV.vn - Dự thảo Nghị định 83 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu mới nhất đề xuất thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.

Rút ngắn khoảng cách thời gian điều hành

Tại dự thảo Nghị định 83 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu mới nhất đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ, cơ quan soạn thảo đã đưa ra 2 phương án thời gian điều hành giá xăng dầu.

Phương án 1: Dự thảo đề xuất thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.

Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau kỳ nghỉ.

Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp sau (khoảng cách 2 kỳ tính giá).

Trường hợp giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể cho kỳ điều hành đó.

Phương án 2: Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 15 ngày như hiện tại.

Dự thảo cũng nêu rõ các trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, phương án 1, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.

Ở phương án 2, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (> 7%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.

Đề xuất thay cách tính giá cơ sở với xăng dầu

Cũng theo dự thảo này, công thức tính giá cơ sở xăng dầu có sự thay đổi. Theo đó, giá cơ sở xăng dầu gồm cả giá nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Cụ thể, công thức tính giá cơ sở theo đề xuất sẽ bao gồm: Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu X tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng + Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với X tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước.

Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu bao gồm các yếu tố và được xác định bằng giá xăng dầu thế giới + chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam + Chi phí kinh doanh định mức + Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu + Lợi nhuận định mức + Các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Với giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, dự thảo đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước bao gồm các yếu tố và được xác định bằng giá xăng dầu thế giới cộng + hoặc trừ - Premium (nếu có) + Chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) + Chi phí kinh doanh định mức + Mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu + Lợi nhuận định mức + Các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó, Premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước (nếu có) là yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng mua bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối và thương nhân sản xuất xăng dầu; được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng.

Premium đưa vào tính giá xăng từ nguồn trong nước tối đa không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng từ nguồn trong nước nhân với (x) thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với mặt hàng xăng theo cam kết quốc tế (trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất đối với xăng lớn hơn 0%).

Phương án 2: Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước bao gồm các yếu tố và được xác định bằng giá bán xăng dầu bình quân của các nhà máy lọc dầu trong nước, doanh nghiệp được giao quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng dầu của nhà máy bán cho thương nhân, đầu mối kinh doanh xăng dầu, chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng Việt Nam (nếu có), chi phí kinh doanh định mức tối đa, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, lợi nhuận định mức, các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước