ĐBQH hiến kế nhiều giải pháp đột phá để hồi phục kinh tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 08/11/2020 12:40 GMT+7

VTV.vn - Tại phiên thảo luận của Quốc hội tuần qua, các ĐBQH đã gợi mở nhiều giải pháp mang tính đột phá với mong đợi về sự hồi phục kinh tế, vươn lên mạnh mẽ của đất nước.

Tuần này, Quốc hội bắt đầu đợt họp trực tiếp để thảo luận về kinh tế - xã hội, phân bổ ngân sách, đầu tư công trung hạn, tái cơ cấu nền kinh tế.

Ở kỳ họp cuối của nhiệm kỳ, Quốc hội dành tới 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, trước đó là 3 ngày liên tiếp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Thời gian thảo luận nhiều hơn thông lệ.

Kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đất nước phải đối mặt với những khó khăn chồng chất từ đại dịch COVID-19 và lũ lụt dồn dập chưa từng có ở miền Trung. Chính vì vậy, sự quan tâm, kỳ vọng của Đại biểu Quốc hội, của cử tri cũng trở thành mạch cảm xúc khi kỳ họp bước vào chương trình nghị sự.

Theo dõi phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, nhiều đại biểu cho rằng dẫu khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu rất ấn tượng và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy các động năng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%

Tờ Thời báo Ngân hàng dẫn chứng 8/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến đạt và vượt kế hoạch, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP vẫn giữ được ở con số trên 2%. Đây là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt của năm COVID-19.

Tờ báo này còn dẫn lời một số ý kiến đại biểu lạc quan hơn khi cho rằng, do mức tăng trưởng của năm 2020 là thấp nên việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2021 là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được, bởi kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi.

ĐBQH hiến kế nhiều giải pháp đột phá để hồi phục kinh tế - Ảnh 1.

Nền kinh tế đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Với quan điểm xuyên suốt từ đầu năm, đó là chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để tập trung phòng chống dịch. Bức tranh kinh tế - xã hội chính là minh chứng rõ nét, sinh động nhất cho sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước trên cơ sở đánh giá toàn diện, dự báo đúng tình hình.

Nhờ những chủ trương, chính sách kịp thời đã khơi dậy được sức mạnh nội tại, khả năng đồng sức, đồng lòng, ứng biến vững vàng trước những tác động tiêu cực để Việt Nam là 1 trong số 16 quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất thế giới. Trong ASEAN, Việt Nam là quốc gia duy nhất tăng trưởng dương.

Nông nghiệp tiếp tục giữ vị trí then chốt

Tờ Nông thôn ngày nay dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong đợt dịch vừa qua, nông nghiệp là then chốt của nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đặc biệt là năm nay còn xuất khẩu gạo ngon.

Xuất khẩu chuyển biến tích cực

Theo quan sát của tờ Người lao động, Việt Nam đã tận dụng được những lợi thế trong 13 hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết. Chỉ riêng trong quý III năm nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng 13%. Duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu dương trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị đứt gãy vì đại dịch COVID-19 là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm nay.

Hỗ trợ để kinh tế tư nhân trở thành trụ cột cho nền kinh tế

Cùng quan điểm, tờ Lao động nhận định: "Nếu tận dụng triệt để cơ hội này thì khả năng đạt mức tăng trưởng cao vào năm 2021 là có cơ sở". Việc đặt mục tiêu tăng trưởng 2021 là 6% là nhằm tạo nên động lực, vừa tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021 - 2015.

ĐBQH hiến kế nhiều giải pháp đột phá để hồi phục kinh tế - Ảnh 2.

Nhiều ĐBQH cho rằng việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2021 là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Nền kinh tế đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III. Thế nhưng, ước thu ngân sách năm 2020 được dự báo sẽ thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trước tình hình khó khăn dự báo sẽ còn kéo dài, các đại biểu Quốc hội đề xuất Chính phủ cần sẽ phải tiếp tục các giải pháp "thắt lưng buộc bụng".

Phải giảm chi thường xuyên và tiết kiệm hơn

Với kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Hoàng Ngân đề nghị phải thận trọng vì nguồn vốn eo hẹp, xem xét ưu tiên cho các dự án cấp thiết, tránh dàn trải.

Làm rõ thêm về vấn đề ngân sách, Bộ trưởng, Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, chi thường xuyên năm 2021 sẽ giảm 56.000 tỷ đồng so với dự toán của năm nay, do vậy phải giảm chi thường xuyên và tiết kiệm hơn, theo tờ Người lao động.

Qua các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội đã gợi mở thêm nhiều giải pháp mang tính đột phá với mong đợi về sự hồi phục, vươn lên mạnh mẽ của đất nước.

Những nội dung sát sườn với đời sống người dân được các đại biểu phản ánh, tranh luận đi tới cùng của vấn đề. Đó là vấn đề phát triển thủy điện và công tác phòng chống thiên tai, bão lũ; đó là vấn đề liên quan đến đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó có những sai sót trong biên soạn một số bộ sách giáo khoa lớp 1; đó là làm thế nào để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

ĐBQH: Kiểm soát chặt thu chi ngân sách để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ĐBQH: Kiểm soát chặt thu chi ngân sách để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

VTV.vn - Để từng bước phục hồi kinh tế trong bối cảnh mới, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước