ĐBQH đề nghị xem xét mức đặt cọc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 29/08/2023 15:21 GMT+7

VTV.vn - Một số đại biểu Quốc hội đề nghị đối với quy định mua bán bất động sản hình thành trong tương lai cần xem xét quy định về mức đặt cọc khi giao dịch.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 29/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh sửa dự án luật từ sau Kỳ họp thứ 5, một số đại biểu đề nghị đối với quy định mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, cần tăng trách nhiệm của bên bán trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cho bên mua, đồng thời cần xem xét quy định về mức đặt cọc khi giao dịch.

Bà Đặng Thị Bích Ngọc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đề nghị: "Trên thực tế xảy ra tình trạng sau khi bên bán, bên mua cho thuê mua, thu 95% giá trị hợp đồng thì không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều dự án có thời gian làm sổ đỏ kéo dài gây bức xúc cho người mua, phát sinh tranh chấp và khiếu kiện. Tôi đề nghị quy định bên bán, bên mua, cho thuê không được thu quá 90% giá trị hợp đồng kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, nhằm tăng trách nhiệm bên bán trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cho bên mua".

Bà Nguyễn Minh Tâm - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết: "Tại dự thảo đang quy định mức đặt cọc tối đa là 10%, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cũng cân nhắc quy định mức đặt cọc tối thiểu. Lý do là để tránh tình trạng số tiền đặt cọc quá thấp cũng dễ dẫn đến việc khách hàng, nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc".

ĐBQH đề nghị xem xét mức đặt cọc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai - Ảnh 1.

Sáng 29/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản.

Ông Mai Văn Hải - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đề nghị: "Cá nhân tôi đề nghị không nên quy định như tại Khoản 3 bởi vì trên thực tế lâu nay tổ chức cá nhân có tài sản, có công trình, có đất thì được thực hiện các quyền về định đoạt tài sản và thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước là rất bình thường và người ta cũng không thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị cần làm rõ như thế nào không nhằm mục đích kinh doanh và nhằm mục đích kinh doanh".

"Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cân nhắc nên bỏ quy định về mẫu hợp đồng kinh doanh bất động sản trong toàn bộ dự thảo luật để tạo sự thuận lợi, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch", ông Dương Khác Mai - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về dự thảo luật nhà ở sửa đổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước