Sáng nay (28/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Các đại biểu bày tỏ ấn tượng về những kết quả đạt được. Các đại biểu cũng đã dự báo một số khó khăn, thách thức đồng thời kiến nghị giải pháp phát triển trong thời gian tới.
"Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Quốc hội đã chủ động nắm tình hình kinh tế - xã hội, xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm vượt khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội đã có bước phục hồi nhanh, đạt kết quả trên các lĩnh vực. Đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời tôi đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp", bà Đỗ Thị Lan, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, đề xuất.
"Mặc dù các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng có địa phương thu rất cao, có địa phương thu thấp. Thời gian tới, đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn trong việc dự toán thu từ sử dụng đất, thu từ các nguồn thu và cần có sự cân đối thực tế để có sự phấn đấu", ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến.
"Các chương trình mục tiêu quốc gia hay việc chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 trong năm 2022 - 2023 cho thấy đây là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng. Yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định. Tôi mong rằng Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể", bà Tạ Thị Yên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, đề nghị.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân.
"Thị trường xăng dầu bị đứt gãy, mặc dù Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc, nhưng chúng ta cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới", ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
"Để khắc phục tình trạng nêu trên, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần ứng cứu. Mặt khác, tiếp tục động viên, phân giao chỉ tiêu bổ sung cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối để tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong mọi tình huống; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng.
Đây được xem là điều kiện tiên quyết và để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội mặt hàng đặc biệt này. Hiện doanh nghiệp đang rất cần nới trần vay, cần ưu đãi về lãi suất, cần chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản thì mới có thể duy trì được hoạt động", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!