ĐBQH: Cần sớm có giải pháp khắc phục thao túng thị trường chứng khoán, kiểm soát “thổi” giá đất

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 01/06/2022 20:48 GMT+7

VTV.vn - Một số đại biểu kiến nghị cần sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và sớm ổn định thị trường bất động sản.

Hôm nay (1/6), Quốc hội thảo luận phiên toàn thể đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, một số tháng đầu năm nay... cùng việc tổng kết, kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nhiều đại biểu cùng chung nhận định khi cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều điểm sáng và dần chuyển biến theo hướng tích cực.

ĐBQH: Cần sớm có giải pháp khắc phục thao túng thị trường chứng khoán, kiểm soát “thổi” giá đất - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)

Theo nhiều đại biểu, sự chuyển biến đó nằm ở việc các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, việc xử lý nợ xấu đạt kết quả đáng ghi nhận, thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng 16,8%, nợ Chính phủ và nợ công trong tầm kiểm soát thấp hơn mục tiêu đề ra.

"SEA Games 31 đã bế mạc cách đây hơn 1 tuần, khép lại một kỳ SEA Games thành công với nhiều ấn tượng đẹp, góp phần quảng bá, thúc đẩy quá trình hồi phục, phát triển ngành du lịch nước ta vốn dĩ bị tổn thưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Đây là năm thứ 8 chúng ta kiểm soát lạm phát được dưới 4%. Nhờ vậy, tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ BB lên BB+, với mức triển vọng ổn định, ghi nhận sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của nước ta", ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nhận định.

"Tăng trưởng kinh tế, một chỉ tiêu mang tính tổng hợp, phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô đạt mức khá cao trên 5% là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Đây là chỉ số quan trọng đánh giá niềm tin thực tế của các đối tác nước ngoài đối với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Cùng với đó, chúng ta có điều kiện để lựa chọn đối tác, công nghệ đầu tư, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài xét cả ở diện quy mô về vốn và trình độ công nghệ", ông Huỳnh Thanh Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chỉ ra các điễm nghẽn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kiến nghị cần sớm có giải pháp để khắc phục nhất là tình trạng thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cân đối nguồn thu và sớm ổn định thị trường bất động sản.

"Đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng hoạt động thế nào? Tất nhiên, những ngành kinh doanh bất động sản, chứng khoán, dịch vụ, tài chính ngân hàng đã kiếm lợi lớn trong suốt thời đại dịch. Theo đó, thu ngân sách nhà nước từ các lĩnh vực này cũng tăng đột biến, bù đắp rất đáng kể cho những khoản hụt thu từ nhiều lĩnh vực sản xuất. Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách nhà nước thặng dư cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch", ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nói.

"Việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá đất ở nước ta với muôn vàn lý do. Song vừa qua, không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chiêu trò này, thắng với mức đấu giá cao chót vót sau đó bỏ cọc nhằm kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số. Việc trả giá quá cao rồi bỏ cọc như vừa qua đã dẫn tới nhiều hệ lụy, có những nhà đầu tư còn nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu của mình. Nguy hiểm hơn là có những người còn lợi dụng để đánh võng giá trị tài sản cho các khoản vay ngân hàng. Một là kiến nghị Chính phủ cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn đối với hoạt động này. Hai là kiến nghị Bộ Công an chọn một số phiên đấu giá đất có nhiều dư luận vừa qua để xác minh, điều tra làm rõ", bà Nguyễn Thị Thủy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, nêu ý kiến.

ĐBQH: Cần sớm có giải pháp khắc phục thao túng thị trường chứng khoán, kiểm soát “thổi” giá đất - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

"Theo phản ánh của cử tri, một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá bất động sản, tính thuế, nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp thuận giá tính thuế cao hơn từ 1,2 - 1,5 lần, thậm chí có nơi đến 2 lần giá đất Nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ. Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá ghi trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường bất động sản. Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định sát với giá thị trường bất động sản và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá Nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra và cũng không được quy định rõ ràng, minh bạch", ông Phan Thái Bình, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho biết.

"Có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin. Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành các lĩnh vực đó. Cử tri rất thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như vậy", bà Tạ Thị Yên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, nói.

"Những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn của chúng ta rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động can thiệp. Do đó, cần phải theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ, công bố thông tin xử lý sai phạm, nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Sai phạm đến đâu thì xử đến đó. Thời gian qua khi xảy ra tình trạng này, thị trường chứng khoán đã bốc hơi đến thời điểm này là 75 tỷ USD, đây là con số rất lớn", ông Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nhận định.

Cho rằng nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, do vậy nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước làm cơ sở cho bình ổn giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên quan.

"Hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi kính đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ", bà Nguyễn Thị Yến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị.

"Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả gấp 2 - 3 lần so với thời điểm khai thác và giá dầu thấp, mà còn tạo nguồn cung ổn định, là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước, tránh tác động từ bên ngoài. Đề nghị Chính phủ đề xuất Chính phủ tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu tránh tác động từ giá xăng dầu sang hàng hóa khác", ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đề xuất.

Vi phạm trong chứng khoán, trái phiếu: Bằng cách nào qua mắt các cơ quan quản lý dễ dàng? Vi phạm trong chứng khoán, trái phiếu: Bằng cách nào qua mắt các cơ quan quản lý dễ dàng?

VTV.vn - Nhiều ĐBQH đã bày tỏ bức xúc trước những hành vi thao túng, trục lợi trong chứng khoán, trái phiếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến an toàn tài chính đất nước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước