Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các địa phương tổng rà soát các dự án điện mặt trời trên cả nước để đánh giá lại tình hình phát triển và tìm hướng tháo gỡ khó khăn trong việc cắt giảm công suất tại các dự án điện mặt trời mặt đất.
Bởi thực tế, giai đoạn từ cuối năm 2020 đến nay, tại các khu vực tập trung số lượng lớn nhà máy điện mặt trời, nhiều dự án đã bị cắt giảm công suất phát lên lưới điện quốc gia gây ra những rủi ro trong phương án tài chính cho các doanh nghiệp.
Một số chủ đầu tư dự án điện mặt trời mặt đất tại Ninh Thuận, Bình Thuận cho biết, trung bình việc cắt giảm công suất chủ yếu ở mức 15 - 20%, thậm chí giờ cao điểm có thể lên đến 50%. Điều này đang gây ra những lãng phí xã hội, rủi ro đối với các khoản nợ ngân hàng cũng như trái phiếu của không ít doanh nghiệp dự án.
Nhiều dự án điện mặt trời mặt đất bị cắt giảm công suất phát lên lưới điện quốc gia. Ảnh minh họa - Dân trí.
Đặc biệt, vào tháng 12/2020, thời điểm cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời áp mái hết hiệu lực đã khiến loại hình này phát triển không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu. Cùng với đó, dịch COVID-19 cũng khiến nhu cầu sử dụng điện giảm mạnh. Đây là những nguyên nhân gây dư thừa điện mặt trời mặt đất.
Đại diện EVN cho biết, một số giải pháp đang được thực hiện là giảm nguồn điện từ các thuỷ điện nhỏ và vừa, thay vào đó chuyển sang lấy điện từ các dự án điện mặt trời trong khung giờ cao điểm từ 9 - 11h hàng ngày. Việc này có thể giúp giải toả thêm khoảng 2000 MW điện mặt trời. Bên cạnh đó sẽ gấp rút triển khai đầu tư thêm hệ thống hạ tầng truyền tải.
Ngoài ra, một số giải pháp như cho phép sử dụng pin tích điện hay cấp bù trở lại lượng điện sản xuất dư thừa trong khung giờ cao điểm cho những lúc thấp điểm thay vì bù trừ bằng hóa đơn như hiện nay cũng được các đơn vị liên quan đề xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!