Kiểm tra dấu hiệu bất thường đấu giá đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa lập đoàn kiểm tra đột xuất công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại hai huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Hà Nội. Hôm nay, dự kiến đoàn sẽ làm việc với UBND hai huyện này, nghe báo cáo toàn bộ các cuộc đấu giá đất vừa diễn ra.
Đoàn công tác sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định về xác định giá khởi điểm, đánh giá sự phù hợp giá - trúng đấu giá với giá đất thực tế trên thị trường. Điều kiện trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, kiểm tra thực địa khu đất được đưa ra đấu giá và các nội dung liên quan khác.
UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp ngay với các sở, ngành kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại hai huyện này, báo cáo Thành phố trước ngày 25/8.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá - quyền sử dụng đất.
Nhiều ý kiến nhận định, việc trúng đấu giá đất liên tục tăng cao sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường
Hệ lụy đấu giá đất cao bất thường
Chỉ trong vòng 10 ngày, thị trường bất động sản Hà Nội liên tục chứng kiến các kỷ lục về giá - trúng đấu giá đất ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Mức giá kỷ lục còn lên tới hơn 130 triệu đồng/m2. Nhiều ý kiến nhận định, việc trúng đấu giá đất liên tục tăng cao sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường.
Anh Nguyễn Đình Phong - Môi giới bất động sản, Hoài Đức, Hà Nội cho biết: "Quanh khu vực này, trung bình giá giao dịch ở đây thường là 50-60 triệu, đó là trong ngõ, còn mặt đường chính thì ít giao dịch".
Đó chính là thông tin từ các môi giới nhà đất tại khu vực xã Tiền Yên, Hoài Đức. Con số khá trùng khớp với khảo sát của một số đơn vị nghiên cứu thị trường khu vực này. Như vậy, các mảnh đất đấu giá ở đây đã cao gấp từ 2 đến 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến, cao hơn đất nhà dân trong ngõ, cũng cao hơn cả nhà đất trong các khu đô thị đồng bộ, gần đường lớn. Nhiều chuyên gia nhận định, có sự xuất hiện của hội nhóm đầu cơ, trong các phiên đấu giá đất gần đây.
Ông Bùi Ngọc Sơn - Chuyên gia Kinh tế nhận định: "Đây là một cách thức nâng giá để bắn thông điệp tới những người xung quanh, để tới mua đất xung quanh, mà thực ra nhóm đầu cơ này đã sở hữu từ trước, âm thầm mua trước. Người mua không để ý, người ta đập tiền mua bao nhiêu thì cũng lãi rất nhiều ở đấy. Họ bỏ luôn đặt cọc đi, cách thức ấy hủy hoại thị trường rất ghê gớm".
Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 đến 3 lần, người dân có đất ở khu vực xung quanh sẽ hình thành tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo, khiến thị trường có thể thiết lập mặt bằng giá mới. Nhưng lại là mức giá vượt quá giá trị thực. Chưa kể, sắp tới, khi địa phương có dự án, chi phí giải phóng mặt bằng trở nên đắt đỏ hơn. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp e ngại khi thực hiện những dự án lớn.
Ông Nguyễn Chí Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội nêu ý kiến: "Đối với việc ảnh hưởng tới giá chung, nội dung này liên quan đến thị trường chung. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện để đảm bảo được nhiệm vụ được giao, thứ hai là nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ".
Các chuyên gia lo ngại, đất đấu giá cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, người người, nhà nhà đổ xô đi mua đất. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!