Đây thực sự là một điểm sáng ấn tượng của kinh tế năm vừa qua giữa bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt hơn, Việt Nam có mức xuất siêu vượt 11 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hoá Việt Nam trong năm qua đã đạt những con số thực sự ấn tượng: thu về hơn 372 tỷ USD, xuất siêu gấp hơn 3 lần so với 2021, công nghiệp chế biến chiếm 89% kim ngạch xuất khẩu…
Xuất khẩu nông sản chuyển đổi từ lượng sang chất
Theo công bố của Bộ Công Thương trong năm 2022, xuất khẩu đạt khoảng 372 tỷ USD, tăng 10,6%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao; tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11,2 tỷ USD, gấp hơn 3,3 lần năm 2021, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ ổn định tỷ giá, trong đó, các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản thực sự là một điểm nhấn khi giá trị xuất siêu chiếm tới 2/3 tổng giá trị xuất siêu của cả nước
Giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, xuất siêu tới 8,5 tỷ USD, đặc biệt 11 nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 nhóm hàng so với năm ngoái. Theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những con số trên cho thấy ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng về tái cơ cấu cũng như triển khai Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn bền vững.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nói: "Chúng ta mở cửa rất nhiều thị trường, chúng ta mở cửa rất nhiều cho những loại nông sản của chúng ta, tiếp cận những thị trường khó tính, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá sản phẩm chinh phục những thị trường khó tính nhất".
Lần đầu tiên sau hơn 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu, thủy sản chính thức gia nhập "câu lạc bộ" xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Hầu hết xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... đều tăng trưởng hai con số trở lên.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, Sóc Trăng, cho biết: "Chúng ta thuận lợi hơn trong việc chiếm lĩnh thị phần cao cấp. Khúc thị phần này có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, giúp doanh nghiệp có nguồn để chia sẻ với người nuôi, giúp họ an tâm duy trì, mở rộng vùng nuôi. Con tôm mặc dù khó khăn nhưng có lòng tin xuất khẩu sẽ không thua năm 2022".
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023, dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD
Khai thác hiệu quả FTA, thúc đẩy mục tiêu xuất khẩu năm 2023
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89% - tăng gần 3 điểm% so với năm 2021. Theo Bộ Công Thương, những kết quả ấn tượng này có được nhờ khả năng thích nghi tốt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu và vai trò của khu vực công trong việc cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thực thi có hiệu quả các FTA đã ký kết.
Trong năm qua các FTA thế hệ mới đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng đáng kể sản lượng xuất khẩu. Ước tính xuất siêu sang các thị trường mới này năm 2022 là trên 30 tỷ USD. Mặc dù vậy, đây cũng là những thị trường khó tính, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư lớn cho chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, nói: "Thành tích về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và duy trì xuất siêu trong năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ của các FTA thế hệ mới. Nếu không có các thị trường này, chúng ta đã nhập siêu chứ không phải xuất siêu. Thêm nữa, đây đều là các thị trường thuộc loại "khó tính" nên việc hàng hóa của Việt Nam tìm được chỗ đứng đã cho thấy năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, đã có những bước cải thiện, giúp Việt Nam từng bước khai thác hiệu quả hơn các FTA thế hệ mới".
Các chuyên gia đánh giá, trong thời gian tới khi nhiều điều kiện về logistic, tình trạng tắc nghẽn cảng, cửa khẩu ở một số thị trường lớn được cải thiện chắc chắn sẽ giúp mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2023 trở nên khả thi.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định: "Hiện nay chúng ta thấy rằng cơn sốt về cước vận tải đường biển đã giảm nhiệt. Mức cước trở về trước khi có dịch, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa lưu chuyển tốt hơn. Tình trạng tắc nghẽn cảng khu vực Hoa Kỳ, châu Âu hiện tại cơ bản đã chấm dứt. Ở Trung Quốc vẫn tồn tại nhưng trong năm tới, khi họ dỡ bỏ biện pháp hạn chế do dịch bệnh thì tình trạng này cũng chấm dứt. Như vậy có thể tạo ra cái thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa nói chung".
Đại diện Bộ Công Thương cũng đánh giá, bối cảnh năm 2023 sẽ có nhiều yếu tố khó đoán định khi mà các thị trường lớn có dấu hiệu sụt giảm nhu cầu, nên đòi hỏi các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cùng nỗ lực tiếp tục khai mở thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt tiếp khai thác sâu hơn các FTA đã ký. Mục tiêu xuất nhập khẩu năm 2023 tăng trưởng 6%.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, trong đó về phát triển kinh tế - xã hội: Tập trung khai thác tốt thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tiếp tục xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường các hoạt động ngoại giao kinh tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!