Dấu ấn 10 năm vượt khó của ngành điện

P.V-Thứ tư, ngày 16/12/2020 11:10 GMT+7

Ảnh: EVN

VTV.vn - Liên tục mở rộng phạm vi, quy mô và năng lực sản xuất, đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện của đất nước là thành tựu nổi bật trong 10 năm qua của ngành điện.

Giai đoạn 2010 - 2020 điện thương phẩm tăng trưởng với tốc độ cao, từ 85,4 tỷ kWh năm 2010 lên khoảng 225,4 tỷ kWh năm 2020; tốc độ tăng trưởng bình quân 9,66%/năm, gấp khoảng 1,6 lần so với tăng trưởng GDP. Tập đoàn đã cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế. Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2020 ước tính đạt khoảng 2.200 kWh/người/năm, tăng 2,24 lần so với năm 2010 (982,7kWh/người/năm).

Đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế và đời sống xã hội

Hệ thống điện quốc gia liên tục mở rộng phạm vi, quy mô và năng lực sản xuất đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện của đất nước. Giai đoạn 2010-2019, Tập đoàn đưa vào vận hành 21 dự án nguồn điện với tổng công suất 17.120MW, bằng 48% tổng công suất phát điện được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2010-2019 trên toàn quốc, đưa tổng công suất của toàn hệ thống điện tới cuối năm 2019 đạt 54.880 MW, trong đó công suất nguồn điện do Tập đoàn sở hữu là 29.412 MW (chiếm 53,6% tổng công suất đặt toàn hệ thống).

Các dự án nguồn điện trọng điểm cấp điện cho khu vực miền Nam được đảm bảo tiến độ, như: Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nhiệt điện Duyên Hải 3. Đặc biệt, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào phát điện dự án Thủy điện Sơn La sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, dự án Thủy điện Lai Châu vượt trước 1 năm so với quy hoạch. Với công suất 2.400 MW, Công trình thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng điện năng, ngành điện đã tích cực tham gia chống hạn, chống lũ thông qua các công trình thủy điện đa mục tiêu. Các dự án thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam không những cung cấp điện mà còn có vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho nông nghiệp phục vụ đổ ải, gieo cấy lúa vụ Đông Xuân cho đồng bằng và trung du Bắc Bộ, sinh hoạt, phòng chống lũ và đẩy mặn cho hạ du.

Giai đoạn 2010-2019, hoàn thành đóng điện 1.936 công trình lưới điện từ 110-500 kV với tổng chiều dài đường dây 8.290 km, tổng công suất các trạm biến áp 26.123MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống. Hoàn thành các công trình quan trọng như: -Các mạch vòng 500kV quan trọng khu vực TP. Hà Nội, TP. HCM và lân cận, các đường dây tăng cường năng lực truyền tải hệ thống như Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông; -Các công trình lưới điện 500kV đấu nối hoặc giải tỏa các nguồn điện quan trọng như: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu...; các Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Vũng Áng... - Các công trình giải tỏa thủy điện khu vực miền Bắc, các nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận; -Các công trình lưới điện đảm bảo cấp điện miền Nam, thành phố Hà Nội và các phụ tải lớn. Hiện đang tập trung đầu tư các dự án trọng điểm đồng bộ các nguồn điện BOT Nghi Sơn 2, Hải Dương, Vân Phong, Nam Định; phục vụ giải tỏa công suất các thủy điện khu vực miền Bắc, các nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận; liên kết nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Đầu tư đưa điện về nông thôn, phủ sóng từng thôn bản

Dấu ấn 10 năm vượt khó của ngành điện - Ảnh 2.

Do đặc điểm hình thành lưới điện nông thôn từ những năm thập kỷ 90, lưới điện nông thôn được xây dựng đa số không đủ các yêu cầu về kỹ thuật an toàn chất lượng cung cấp điện. Từ năm 2008, theo yêu cầu của các địa phương, công tác chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn từ các Tổ chức quản lý điện nông thôn không đủ năng lực quản lý đã diễn ra mạnh mẽ trên cả nước, từ chỗ chỉ quản lý bán điện trực tiếp tại 2.126 xã, trong hơn 10 năm qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tại gần 6.000 xã, đến nay Tập đoàn đang quản lý bán điện tại 8.122 xã chiếm tỷ lệ 92% số xã và hơn 93% hộ dân.

Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của tất cả các xã, Tập đoàn và các đơn vị đều phải tiến hành sửa chữa cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện để vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục tới các hộ dân với chi phí cải tạo tối thiểu bình quân 1,2 - 1,5 tỷ đồng/xã. Tổng chi phí cải tạo tối thiểu lưới điện sau tiếp nhận hơn 8.000 tỷ đồng.

Việc tiếp nhận quản lý bán điện trực tiếp tới hộ dân và đầu tư phát triển điện nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện nông thôn từ mức độ chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ở mức cơ bản như phục vụ ánh sáng sinh hoạt và một phần sản xuất nhỏ đã tăng lên đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất với chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, du lịch, nâng cao thu nhập đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực nông thôn.

Mười năm trước đây, ở nhiều vùng nông thôn hệ thống lưới điện ở tình trạng xập xệ cột tre, cột gỗ, dây dẫn nhỏ, chắp vá không đảm bảo chất lượng, mất an toàn cung cấp điện do được xây dựng từ các tổ chức quản lý điện nông thôn, tới nay, sau khi được ngành Điện tiếp nhận và đầu tư cải tạo nâng cấp, lưới điện đã được chỉnh trang, các hộ dân được cung cấp điện ổn định và an toàn. Bên cạnh việc đầu tư phát triển lưới điện nông thôn, việc quản lý điện nông thôn cũng được thay đổi đáng kể, từ nhiều mô hình quản lý điện nông thôn không đủ khả năng chuyên môn nghiệp vụ quản lý trước đây như Ban điện xã, Tổ điện dân lập, tư nhân đầu tư…, tới nay đã có trên 92% xã do ngành Điện quản lý bán điện trực tiếp, người dân được mua điện theo đúng giá qui định của Chính phủ và hưởng các dịch vụ điện trực tiếp do ngành Điện cung cấp ngày càng thuận tiện, nhanh chóng.

Với quyết tâm cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo và đảm bảo an ninh quốc phòng, trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc thực hiện các dự án được Chính phủ áp dụng cơ chế đặc biệt về vốn đầu tư nhằm thúc đẩy mạnh hơn chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.

Ngày 19/6/2013, Mường Tè là huyện cuối cùng trên đất liền được cung cấp điện lưới quốc gia từ dự án.

Đối với khu vực biển đảo, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn phức tạp về khảo sát thiết kế và tổ chức thi công xây lắp trên biển, nhưng được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp điện cho các huyện đảo, xã đảo. Với việc đảm bảo nguồn điện, các huyện đảo sẽ có điều kiện thuận lợi để đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ phát triển các ngành nghề kinh tế biển, phát triển ngư trường bám biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước