Kênh truyền thông CCTV đã trích dẫn tuyên bố của giới chức Trung Quốc rằng đất hiếm có thể sẽ được Trung Quốc sử dụng để gây sức ép với Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Phát biểu được kênh CCTV của Trung Quốc đăng tải lúc này cho thấy có khả năng Trung Quốc đang dùng việc xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ như một vũ khí mới trong cuộc chiến thương mại.
Ngay sau động thái của Trung Quốc, cổ phiếu các công ty khai thác đất hiếm tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đã tăng vọt. Tại Trung Quốc, cổ phiếu của công ty khai thác JL Mag đã tăng 10%, trong khi cổ phiếu công ty Lynas ở Australia tăng hơn 15%.
Nhưng trên thế giới, ngoài Trung Quốc ra, không có mấy quốc gia cạnh tranh nổi trên thị trường đất hiếm. Trung Quốc chiếm tới gần một nửa nguồn tài nguyên đất hiếm trên toàn cầu và đóng góp gần 80% sản lượng trên toàn thế giới năm 2018.
Dựa vào lợi thế này, Trung Quốc nhiều lần dùng đất hiếm làm đòn bẩy để có ưu thế trong quan hệ ngoại giao. Năm 2010, Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi có tranh chấp giữa 2 nước trong việc đánh bắt thủy sản.Cũng năm đó, Trung Quốc lại tiếp tục hạ sản lượng xuất khẩu đất hiếm sang Na Uy do những bất đồng về giải Nobel Hòa bình.
Vậy đất hiếm có gì mà lại khiến nhiều quốc gia phụ thuộc tới vậy? Loại tài nguyên này bao gồm 17 nguyên tố quan trọng, được gọi là "vitamin của hoá học" vì chỉ một lượng nhỏ cũng có thể có tác dụng lớn tới các thiết bị điện tử như khiến màn hình TV sáng hơn, pin chạy được lâu hơn và nam châm hút dính tốt hơn. Đất hiếm vì thế là một thành phần cực kỳ quan trọng trong cấu phần các linh kiện điện tử.
Đất hiếm quan trọng và Mỹ đang bị lệ thuộc vào nguồn tài nguyên này từ Trung Quốc. Từ năm 2014-2017, theo khảo sát địa chất của Mỹ, 80% lượng hợp chất và kim loại đất hiếm dùng tại nước này là nhập khẩu từ Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!