Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook, nhiều người đang sôi nổi chơi và chia sẻ một trò chơi trực tuyến có tên Confetti. Ứng dụng miễn phí, tham gia miễn phí, rút tiền cũng miễn phí, vậy Confetti lấy đâu ra tiền để trả cho người chơi?
Luật chơi khá đơn giản bởi chỉ cần trả lời đúng 10 câu hỏi kiến thức, người chơi có thể thắng từ 3.000 đến 6.000 USD tiền mặt. Nếu số người chơi trong đạt được 300.000 người bằng cách nhấn vào nút share, chương trình sẽ có một giải thưởng hoành tráng có thể lên tới 12.000 USD.
Tuy nhiên, khi người chơi thử trải nghiệm, khoảng 10 phút trôi qua nhưng câu hỏi đầu tiên vẫn không thấy đâu mà thay vào đó MC liên tục khuyến khích người dùng bấm nút share cho bạn bè để tham gia vào trò chơi này. Khi người dùng càng nhiều, mức độ họ đưa ra các giải thưởng càng cao và càng giá trị.
Bạn có thể bị hỏi về kiến thức ở bất kỳ lĩnh vực nào, đó là lý do vì sao trò chơi tưởng dễ nhưng thật ra cũng rất khó vì phải trả lời đúng chỉ trong 10 giây nên cơ hội người dùng tham khảo câu trả lời của bạn bè là không thể. Cách thiết kế trò chơi kiểu gây nghiện đã khiến hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam đang đón chơi mỗi livestream của Confetti.
Đây là một hình thức trivia game, tạm dịch là trò chơi kiến thức vốn phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, nếu các trivia game trước đó thường kiếm tiền bằng cách thu phí mua ứng dụng, phần mềm hoặc quảng cáo ngay trên trò chơi, với làn sóng công nghệ phát sóng trực tiếp (livestreaming), trivia game như kiểu của Confetti đã tiến hóa thành trò chơi tương tác trực tuyến, không chỉ miễn phí mà người thắng còn được tặng tiền.
Như bất kỳ một ứng dụng miễn phí nào, mô hình kinh doanh của trò chơi tương tác sẽ dựa vào khai thác quảng cáo khi nắm trong tay lượng người dùng đủ lớn.
Như trường hợp của HQ Trivia, ứng dụng của Mỹ đi tiên phong trong hình thức này, đã ký những bản hợp đồng quảng cáo khủng với các thương hiệu lớn là Nike, Warner Bros... để nâng giá trị giải thưởng trong trò chơi lên mức 100.000 đến 300.000 USD. Phần HQ Trivia nhận được tất nhiên lớn hơn thế rất nhiều, đó là những vòng gọi vốn hàng chục triệu USD, nâng định giá công ty giờ ở mức 100 triệu USD.
Hiện mức giải thưởng cao nhất của Confetti tại Việt Nam chỉ hơn 10% so với mức Confetti "tặng" người dùng trên thế giới.
Confetti khuyến khích, khi các bạn share, số lượng người chơi sẽ tăng lên, như vậy, các bạn giúp nhau, giúp cho Confetti Việt Nam thăng hạng.
Hạng càng thăng nhờ lượng người dùng càng nhiều, sẽ giúp nhà sáng lập tăng tốc càng nhanh đến thời điểm người chơi trở thành sản phẩm để chủ trò chơi khai thác lợi nhuận.
Mô hình Confetti một lần nữa chứng minh định lý: "Sản phẩm miễn phí thì người dùng chính là sản phẩm".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!