Đảm bảo sự đồng bộ của các luật trong lĩnh vực đầu tư

VTV Digital-Thứ năm, ngày 31/10/2024 16:34 GMT+7

VTV.vn - Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rút ngắn, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, gỡ khó cho các dự án đầu tư theo mô hình đối tác công tư PPP.

Đây là những điểm nhấn đáng chú ý trong nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, hay còn được gọi là "1 luật sửa 4 luật" đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh những thay đổi này.

* PV: Thưa Thứ trưởng, việc tổng hợp những thay đổi trong một luật để sửa đổi sẽ tiết kiệm thời gian và rút gọn quy trình, thủ tục như thế nào?

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hiện nay, các vấn đề vướng mắc, khó khăn hoặc điểm nghẽn mang tính đa ngành đa lĩnh vực rất nhiều. Ví dụ một dự án đầu tư công có thể liên quan đến rất nhiều luật, không chỉ Luật Đầu tư công mà còn là Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Bảo vệ môi trường… Để sửa đồng bộ tất cả luật ấy, mới có ý tưởng, quyết sách triển khai một phương pháp mới. Đó là phương pháp dùng một văn bản có thể sửa cùng lúc nhiều văn bản cùng cấp khác nhau. Ví dụ như một luật sửa nhiều luật.

Đảm bảo sự đồng bộ của các luật trong lĩnh vực đầu tư - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

* PV: Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lần sửa đổi luật lần này như thế nào?

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đầu tiên là thể chế hoá các quan điểm mới của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa trong luật như nội dung thí điểm có hiệu quả, thì sẽ cố gắng thể chế hoá, hay là những quan điểm rất lớn trong lãnh đạo chỉ đạo, điều hành như phân cấp phân quyền. Trước tiên trong Luật Đầu tư công, ngoài ra còn các luật khác cũng thể hiện được quan điểm này. 

Điểm nhấn thứ ba là tháo gỡ các điểm nghẽn. Trong đó điểm nghẽn thể chế là một điểm nghẽn khá lớn trong phân tích. Lần này, một khi đã đặt ra vấn đề sửa đổi luật thì phải khắc phục được các điểm nghẽn đó, như điểm nghẽn về trình tự thủ tục rườm rà, phê duyệt dự án. Lần này quyết tâm kết hợp cả phân cấp phân quyền, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm bớt các bước… đều hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án.

* PV: Để tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý để thu hút thêm nguồn lực tham gia đầu tư theo mô hình đối tác công tư PPP, lần sửa đổi luật lần này đã có những điểm mới cởi mở hơn và tháo gỡ những khó khăn ấy như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đầu tiên chúng tôi muốn sửa trong lần này là quy định về tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án không vượt quá 50%. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt, tỉ lệ vốn giải phóng mặt bằng cao hơn, cần áp dụng công nghệ mới, thì tỉ lệ vốn Nhà nước có thể lên đến 70%. Nhóm chính sách thứ hai là đối với dự án BT. 

Chúng tôi đã thiết kế mô hình dự án BT một cách toàn diện hơn, cơ bản là khắc phục tất cả các hạn chế trước đây của dự án BT này. Ví dụ, phê duyệt tổng mức đầu tư dự án BT quá cao, lấy phần đối ứng nhiều, không có kiểm soát, thì lần này việc phê duyệt tổng mức đầu tư dự án phải do Nhà nước phê duyệt để kiểm soát tổng mức đầu tư thật chính xác.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước