Đảm bảo nguồn cung xăng dầu, cần các giải pháp đồng bộ

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 11/09/2022 15:06 GMT+7

VTV.vn - Từ giữa tháng 8 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động. Một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng, một số DN đề xuất tạm dừng kinh doanh.

Đầu tuần này, Bộ Công Thương đã công bố về việc xử phạt các doanh nghiệp xăng dầu sau quá trình thực hiện thanh tra các doanh nghiệp đầu mối.

Ngoài xử phạt tiền đối với 18 đơn vị Bộ còn áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối. Đây là những doanh nghiệp xăng dầu chủ yếu hoạt động tại địa bàn phía Nam.

Xử lý nghiêm vẫn đảm bảo nguồn cung

Theo báo Tiền Phong, trong số các doanh nghiệp đầu mối bị Bộ Công Thương xử phạt và rút giấy phép, chỉ có một số doanh nghiệp hoạt động lâu năm, còn lại đều là những doanh nghiệp được cấp phép vài năm trở lại đây, số lượng cửa hàng, tổng đại lý trực thuộc không nhiều nên không đáng lo ngại về nguồn cung.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ phạt hành chính các sai phạm, còn việc tước giấy phép sẽ thực hiện ở thời điểm thích hợp. Tinh thần là xử nghiêm hành vi vi phạm nhưng lưu ý đến bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung", thông tin từ báo Sài Gòn giải phóng.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu, cần các giải pháp đồng bộ - Ảnh 1.

Để thị trường xăng dầu vận hành bình thường, việc quản lý giá nên tiệm cận và phản ánh đúng xu hướng tăng - giảm của giá xăng dầu thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Bộ Công Thương đã "nhân nhượng", tạm thời không tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp vi phạm như tuyên bố trước đó.

Lý do được giải thích là cân nhắc về khó khăn của các doanh nghiệp sau dịch, nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng. Bởi chỉ riêng Saigon Petro đã sở hữu hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ, cung cấp ra thị trường 50.000 m3 xăng dầu/tháng.

Việc "nhân nhượng" lần này có tạo tiền lệ để các doanh nghiệp tiếp tục điệp khúc lãi lớn im re, lỗ dọa nghỉ bán như hiện nay hay không?, báo Thanh niên đặt câu hỏi. Chưa kể việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, doanh nghiệp cứ vi phạm rồi lại gây áp lực cho cơ quan chủ quản, thị trường xăng dầu đã lộn xộn sẽ còn lộn xộn hơn.

Từ giữa tháng 8 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động. Một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp đề xuất tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm về lợi nhuận kinh doanh.

Cả nông dân và ngư dân lao đao

Người tiêu dùng có lúc không thể mua được xăng. Ngư dân không tìm được dầu cho tàu cá ra khơi. Nông dân đứng nhìn lúa chín rục trên đồng vì không có dầu cho máy cắt lúa.

Bài viết "Cả nông dân và ngư dân lao đao" trên báo Tiền phong phản ánh: "50% số tàu đánh bắt xa bờ ở Kiên Giang và Cà Mau nằm bờ vì một cặp tàu đánh bắt xa bờ cần tới 40.000 lít dầu, nhưng một số cửa hàng chỉ bán 2000 - 3.000 lít, nếu chỉ chạy ra đến chỗ đánh bắt hết dầu lấy gì chạy về".

Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu chỉ bán nhỏ giọt 1 can, nhiều thì 2 can, nên không thể thu hoạch lúa cho dân vì 1 can dầu 30 lít chỉ đủ cho máy gặt cắt 1 ha lúa.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu: Cần các giải pháp đồng bộ

Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời Lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, nông dân có nguy cơ thiệt hại nặng do có tình trạng thiếu hụt xăng dầu đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch, vận chuyển lúa gạo và nông sản, nhất là khi Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu. Cục Trồng trọt đề nghị Bộ Công Thương vào cuộc làm rõ việc thiếu xăng dầu là do tích trữ găm hàng hay đúng là thiếu hụt nguồn hàng.

Về phần mình, Bộ Công Thương luôn khẳng định, nguồn cung xăng dầu không thiếu và đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát xăng dầu nhằm tìm kiếm, phát hiện và phạt những đơn vị vi phạm như găm hàng.

Kiểm tra nhiều mà xăng vẫn bất an

Không phủ nhận có những doanh nghiệp vi phạm, đầu cơ, làm ăn bất chính nên hệ quả là có những doanh nghiệp bị xử phạt, tước giấy phép. Tuy nhiên khi thị trường có quá nhiều doanh nghiệp vi phạm và sự đứt gãy chuỗi lưu thông, phân phối xăng dầu ngày càng nhiều hơn, cần phải xem lại cơ chế điều hành, báo Tuổi trẻ bình luận.

Còn theo tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, việc đồng loạt tung lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra xăng dầu trên cả nước là cần thiết, thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhưng biện pháp xử phạt không giải quyết được tận gốc rễ những bất cập tồn tại lâu nay.

Theo đó, để thị trường xăng dầu vận hành bình thường, việc quản lý giá nên tiệm cận và phản ánh đúng xu hướng tăng - giảm của giá xăng dầu thế giới. Thứ hai, nên xem xét lại quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy từ một thương nhân phân phối hoặc một thương nhân đầu mối. Lý do là nếu cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng với nhiều đơn vị đầu mối sẽ tránh tình trạng nhiều cây xăng không thể tìm nguồn hàng khi doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị rút giấy phép tạm thời như vừa qua.

Báo Sài Gòn giải phóng dẫn lời nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: "Cần điều chỉnh lại Nghị định số 95 (về kinh doanh xăng dầu) theo hướng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì không bắt buộc phải sở hữu hệ thống cửa hàng bán lẻ. Điều này giúp nhiều doanh nghiệp có thể tham gia xuất nhập khẩu; tạo môi trường cạnh tranh, có nhiều đầu mối tham gia nguồn cung, ngăn chặn nguy cơ độc quyền, lũng đoạn thị trường (thậm chí có thể mở cửa cho các doanh nghiệp xăng dầu nước ngoài vào hoạt động)".

Trả lời phỏng vấn tờ Diễn đàn doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Tuấn Anh bình luận: "Để ứng phó với biến động giá nhiên liệu, việc điều tiết cung cầu cần hết sức thận trọng, phù hợp và linh hoạt".

Về lâu dài, phải nhanh chóng đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ chiến lược quốc gia để chủ động ứng phó với các biến động bất thường về giá dầu thế giới có thể tác động tiêu cực đối với kinh tế; cùng với đó là đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nhập nhẩu; khuyến khích sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng mà nước ta có tiềm năng lớn.

Tạm dừng tước giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu Tạm dừng tước giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu

VTV.vn - Việc tạm dừng được thực hiện cho tới khi các đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương xem xét.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước