Đại biểu Quốc hội: Cần kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội

Huy Hoàng-Thứ ba, ngày 03/11/2020 16:20 GMT+7

VTV.vn - Trong phiên họp sáng 3/11, Quốc hội đã thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch năm 2021.

Trong đó, nhiều vấn đề liên quan đến giao thông, kinh tế lâm nghiệp và báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được đề cập.

Có 5 nhóm vấn đề đặt lên bàn nghị sự: Phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và đánh giá hiệu quả 3 năm thực hiện nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong đó, từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực từ tháng 8/2017, đến nay đã xử lý được gần 294 nghìn tỷ đồng nợ xấu, gấp 4 lần so với các giai đoạn trước. Năm 2020 có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp từ dịch bệnh COVID-19 nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn đang ở mức 1,86%.

Đại biểu Quốc hội: Cần kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội - Ảnh 1.

Sáng 3/11, Quốc hội đã thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch năm 2021. Ảnh: VGP

Ý thức trả nợ của khách hàng đã tăng mạnh, đạt hơn 91.469 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến nay. Dù kết quả đạt được là tích cực, tuy nhiên theo các đại biểu Quốc hội, vẫn còn những bất cập trong quá trình triển khai.

"Tổ chức thực hiện còn bị chậm bởi vì khi có Nghị quyết thì có yêu cầu các ngành, từ Chính phủ, đến Viện Kiểm sát, đến Toà án, công an phải có văn bản hướng dẫn bởi việc xử lý nợ xấu liên quan đến rất nhiều bên, nhưng văn bản hướng dẫn chậm. Cho đến thời điểm này, theo tôi được biết chưa có một vụ án nào trong xử lý nợ xấu được xử lý theo thủ tục rút gọn", ông Đỗ Văn Sinh - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nói.

Ông Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội TP.HCM cho hay: "Tôi nghĩ rằng cần kéo dài Nghị quyết 42 thêm, trong khi chúng ta chưa đưa vào luật hoá ở những nguyên tắc vay và trả nợ vay, chưa có đảm bảo quyền, trong đó không chỉ ưu tiên bảo vệ người đi vay mà cần bảo vệ cả người cho vay để đảm bảo ý thức vay và trả nợ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước