Đặc quánh sai phạm, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới vô can

VTV Digital-Thứ tư, ngày 16/06/2021 11:27 GMT+7

VTV.vn - Nhiều nền tảng quảng cáo xuyên biên giới tràn lan quảng cáo hàng giả, hàng nhái; giá cước vận chuyển container lại tăng kỷ lục là những thông tin đáng chú ý trên các báo.

Trả phí cho Facebook, Google để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhưng Facebook, Google vẫn vô can. Đặc biệt, không ít bài báo, video clip, phim… của các cơ quan báo chí, truyền hình Việt Nam vừa xuất bản đã bị ăn cắp, chỉnh sửa, biên tập, cắt ghép, phát lại trên YouTube, Facebook để lấy tiền quảng cáo.

Nguồn tiền quảng cáo được chia về cho YouTube, Facebook và người phát tán, còn cơ quan báo chí không những không thu được phí, bị vi phạm bản quyền, mà còn có nguy cơ bị ảnh hưởng uy tín nặng nề.

Đặc quánh sai phạm, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới vô can - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: mccourier.com)

Theo Báo Đầu tư, ngọn nguồn sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới vẫn là quy định của pháp luật hiện hành đã vô tình "bỏ quên" các nền tảng xuyên biên giới.

Luật sư Công ty Luật Peterson Brother cho rằng, cần sửa đổi Nghị định số 181/2013/NĐ CP theo hướng bãi bỏ một số quy định không khả thi và không phù hợp với thực tế, bổ sung trách nhiệm cụ thể hơn của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện, xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định. Hy vọng rằng, những quy định chặt chẽ sẽ sớm được ban hành để "trói" trách nhiệm của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, giúp thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam phát triển lành mạnh.

Ồ ạt trái phiếu ngân hàng giá rẻ: Ai là người mua?

Theo Diễn đàn doanh nghiệp, thị trường đang chứng kiến mặt bằng lãi suất trái phiếu từ một nhóm ngân hàng thương mại giảm xuống mức rất thấp, dưới 4,2%. Nhưng điều tưởng như nghịch lý này lại trở nên dễ hiểu khi hầu hết người mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại tư nhân trên đều là công ty chứng khoán và các công ty này đều có mối liên hệ trực tiếp với ngân hàng hoặc lãnh đạo ngân hàng.

Ví dụ như người mua trái phiếu SHB là hai công ty chứng khoán trong nước và tổ chức tư vấn, đại lý phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu đều là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội. Theo một chuyên gia tài chính, sở dĩ các công ty chứng khoán hành động như vậy do dòng vốn đi theo hướng hỗ trợ nội bộ. Đây chính là cách để ngân hàng vừa tăng được nguồn vốn chi phí thấp, vừa có khách vay đảm bảo khả năng trả nợ, còn về phía công ty chứng khoán, không loại trừ việc mua trái phiếu ngân hàng lãi suất rất thấp sẽ giúp họ có thể sẽ vay ngược lại ngân hàng với tài sản đảm bảo thế chấp là trái phiếu của chính ngân hàng đó.

Không thể xác định chính xác được đúng đây là hình thức "mỡ nó rán nó", bởi theo quy định hiện tại, tổ chức phát hành sẽ không phải công khai cụ thể danh tính nhà đầu tư mua trái phiếu, nhưng rõ ràng điều này gây tác động nhất định tới kiểm soát dòng vốn thực trên thị trường và cần sự giám sát chặt mối quan hệ liên quan, liên thông từ cơ quan quản lý để tránh "bơm vốn" cho chứng khoán ngoài kiểm soát.

Giá cước vận chuyển container lại lên mức kỷ lục

Đặc quánh sai phạm, nền tảng quảng cáo xuyên biên giới vô can - Ảnh 2.

Mặc dù giá cước vận chuyển tăng, nhưng các hãng tàu lại thường xuyên ra thông báo thiếu container rỗng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Chia sẻ với Kinh tế Saigon Online, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, nếu trước dịch, mỗi container hàng hóa có giá vận chuyển chỉ từ 70 - 100 triệu đồng, thì đến hiện tại con số này đã tăng lên mức 120 - 140 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, mặc dù giá cước vận chuyển tăng, nhưng các hãng tàu lại thường xuyên ra thông báo thiếu container rỗng, hàng hóa buộc phải dời ngày xuất bến khiến chất lượng các lô hàng trái cây tươi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, công ty này buộc phải chuyển qua vận chuyển bằng đường hàng không, tuy nhiên cước vận chuyển của loại hình này cũng tăng hơn gấp đôi ở thời điểm hiện tại.

Thông thường, chi phí logistics nói chung chỉ chiếm rất ít giá trị hàng hóa một kiện hàng chứa trong container. Ở thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu đã bằng hoặc cao hơn so với giá trị đơn hàng, việc này chỉ có đơn vị vận chuyển có lợi, còn doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Theo Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), hiện tại, các hãng tàu lại tiếp tục vịn vào lý do thiếu container rỗng dẫn đến việc vận chuyển gặp khó để tiếp tục nâng cước phí lên mức 10.500 USD/container loại 40 feet. Các doanh nghiệp container và hãng tàu vận tải biển có mối quan hệ hữu cơ, do đó các hãng tàu nước ngoài được tạo điều kiện kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải có trách nhiệm chia sẻ và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.

'Siết' mạng quảng cáo xuyên biên giới "Siết" mạng quảng cáo xuyên biên giới

VTV.vn - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ riêng hai mạng lưới quảng cáo của Google và Facebook đã chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước