Ngày 29/1, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu cuộc họp chính sách đầu tiên của thể chế tài chính này trong năm 2020 trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới (2019-nCoV) bùng phát tác động xấu đến kinh tế toàn cầu.
Nhiều khả năng FED sẽ giữ nguyên lãi suất chủ chốt và lặp lại những tuyên bố gần đây rằng sẽ tiếp tục theo dõi "những diễn biến trên toàn cầu". Tuy nhiên, việc virus corona mới bùng phát tại Trung Quốc và lây lan sang nhiều nước khác khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc, kéo theo tác động đến kinh tế toàn cầu. Hiện nhiều cơ sở kinh doanh tại Trung Quốc đang đóng cửa, du lịch bị hạn chế và các hãng hàng không lớn trên thế giới hủy chuyến bay tới nước này trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh nỗ lực khống chế dịch bệnh khiến hàng nghìn người bị nhiễm và hơn 100 người tử vong.
Chuyên gia kinh tế Joel Naroff (Giô-en Na-râu-phơ) cho biết loại virus gây chết người này khả năng trở thành một yếu tố được xem xét trong chính sách lãi suất nếu nó tác động đến các thị trường tài chính và nếu có những dấu hiệu rõ ràng sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Đợt bùng phát Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) tại Trung Quốc năm 2003 chỉ khiến kinh tế và đầu tư tạm thời sụt giảm và dịch bệnh này xảy ra vào thời điểm kinh tế đang "bùng nổ". Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng virus corona mới xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm. Hiện kinh tế toàn cầu đang đối mặt với thời kỳ suy thoái nói chung, cũng như thương mại sụt giảm và kế hoạch Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Do đó, mọi nguy cơ mới đe dọa đến kinh tế toàn cầu sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phải lập tức chú ý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!