Cuộc đua tiền kỹ thuật số: Trung Quốc đầy tham vọng, nhưng ai sẽ là thắng ai?

Thanh Hiệp (Tổng hợp từ Reuters, Bangkok Post, ABC, CNBC, Yahoo Finance, Japan Times)-Thứ ba, ngày 13/10/2020 19:23 GMT+7

Các nước tăng tốc trong cuộc đua cho ra đời tiền kỹ thuật số (Nguồn: Reuters)

VTV.vn - Cuộc chạy đua trong lĩnh vực phát triển tiền kỹ thuật số đang nóng lên. Ngày càng nhiều ngân hàng trung ương các nước triển khai các dự án thử nghiệm loại tiền này.

Trung Quốc

Hôm 12/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu phát miễn phí 10 triệu Nhân dân tệ (tương đương gần 1,5 triệu USD) tiền kỹ thuật số cho người dân tại thành phố Thâm Quyến. Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ Trung Quốc nhằm quảng bá đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tới công chúng.

Trước đó, hôm 9/10, những người dân muốn tham gia chương trình đã tiến hành đăng ký thông qua 4 ngân hàng lớn tại nước này. 50 nghìn người được lựa chọn thông qua hình thức quay số ngẫu nhiên sẽ nhận được 200 Nhân dân tệ tiền kỹ thuật số. Số tiền kỹ thuật số này có thể được chi tiêu tại 3.389 cửa hàng bán lẻ tại quận La Hồ, thành phố Thâm Quyến trong giai đoạn từ ngày 12 đến ngày 18/10. Các cửa hàng bán lẻ này bao gồm cả các trạm xăng Sinopec, cửa hàng Walmart, trung tâm mua sắm CR Vanguard và khách sạn Shangri La.

Cuộc đua tiền kỹ thuật số: Trung Quốc đầy tham vọng, nhưng ai sẽ là thắng ai? - Ảnh 1.

3.389 cửa hàng tại Thâm Quyến tham gia chương trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số (Nguồn: Xinhua)

Đây chỉ là một trong nhiều kế hoạch thử nghiệm quy mô lớn của chính phủ Trung Quốc nhằm đánh giá khả năng sử dụng rộng rãi loại tiền kỹ thuật số được Nhà nước kiểm soát.

Trước đó, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt thông qua Thanh toán Điện tử Tiền tệ Kỹ thuật số (DCEP) của quốc gia, được hỗ trợ bởi PBOC.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 25/9, Phó Thống đốc PBOC Fan Yifei cho biết: "Hiện tại, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đã đạt được những kết quả bước đầu và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Chúng tôi đang tích cực khuyến khích sử dụng các phương tiện khoa học và công nghệ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng giấy phép điện tử, chữ ký điện tử để mở tài khoản".

Tính đến nay đã có hơn 1,1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 162 triệu USD) được sử dụng trong 3,1 triệu giao dịch thuộc khuôn khổ các chương trình thử nghiệm với tiền kỹ thuật số ở Trung Quốc bao gồm Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Hùng An. Tổng cộng đã có 113.300 cá nhân và 8.859 doanh nghiệp mở ví kỹ thuật số trong chương trình thử nghiệm quy mô lớn này.

Cũng theo Phó Thống đốc PBOC Fan Yifei, loại tiền tệ này có thể sử dụng thông qua nhiều phương thức thanh toán khác nhau như quét mã vạch, nhận dạng khuôn mặt… Ông Fan Yifei cho hay các thử nghiệm sẽ được tiến hành kỹ lưỡng trong các tình huống hạn chế để đảm bảo tính ổn định của sản phẩm mới. "PBOC nhận định đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ trở thành cơ sở hạ tầng tài chính quan trọng trong tương lai".

Các nước nỗ lực bắt kịp với tham vọng của Trung Quốc

Tham vọng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa. Một bài xã luận được PBOC công bố vào tháng trước cho biết Trung Quốc cần trở thành quốc gia đầu tiên phát hành tiền kỹ thuật số nhằm thúc đẩy sự quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán bằng USD trên toàn cầu.

Cuộc đua tiền kỹ thuật số: Trung Quốc đầy tham vọng, nhưng ai sẽ là thắng ai? - Ảnh 2.

PBOC có tham vọng mở rộng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số ra thị trường quốc tế (Nguồn: Reuters)

Ông Kenji Okamura, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, cũng nhận định Trung Quốc đang tìm cách giành được lợi thế đi đầu trong nỗ lực phát triển tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc hiện thực hóa tham vọng này là điều không hề đơn giản bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài công nghệ. Ông Flex Yang, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty tài chính tiền kỹ thuật số Babel Finance, cho biết "điều đó phụ thuộc vào việc các quốc gia khác có sẵn sàng chấp nhận hệ thống thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số hay không. Đó là một vấn đề chính trị, không phải một vấn đề công nghệ. Chúng tôi mong đợi sự phát triển trong tương lai vì nó vẫn đang trong giai đoạn đầu".

Trong khi đó, các quốc gia khác cũng không muốn bị "tụt lại phía sau" trong cuộc đua tiền kỹ thuật số. Hôm 9/10, một nhóm bảy ngân hàng trung ương lớn, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đã có một cuộc thảo luận về tiền kỹ thuật số trong một nỗ lực nhằm bắt kịp các động thái "đi tắt đón đầu" của Trung Quốc và các dự án tiền kỹ thuật số của tư nhân như đồng Libra của Facebook.

Các ngân hàng trung ương và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho rằng những đặc điểm cốt lõi của tiền kỹ thuật số cần bao gồm khả năng phục hồi, tính sẵn có ở mức chi phí thấp hoặc miễn phí, các tiêu chuẩn phù hợp và khung pháp lý rõ ràng đồng thời thích hợp với khu vực kinh tế tư nhân.

Cuộc đua tiền kỹ thuật số: Trung Quốc đầy tham vọng, nhưng ai sẽ là thắng ai? - Ảnh 3.

Các ngân hàng trung ương lớn cố gắng bắt kịp nỗ lực của Trung Quốc và khu vực tư nhân (Nguồn: Reuters)

Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh kiêm chủ tịch ủy ban thanh toán của BIS, ông Jon Cunliffe, cho rằng xu hướng gia tăng thanh toán không tiền mặt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã thúc đẩy quá trình công nghệ thay đổi các hình thức của tiền tệ. Các ngân hàng trung ương hiện đang bắt đầu xem xét kỹ lưỡng vấn đề tiền kỹ thuật số sau khi Facebook công bố dự án tiền Libra và cố gắng theo kịp khu vực tư nhân để bịt các lỗ hổng trong lĩnh vực thanh toán.

Châu Âu và Nhật Bản chuẩn bị các dự án thử nghiệm tiền kỹ thuật số

Không chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây cho biết đang lên kế hoạch thử nghiệm Đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) vào đầu tài khóa 2021.

BOJ dự định sẽ thiết lập một hệ thống trên Internet để thử nghiệm các chức năng cơ bản của CBDC, trong đó có việc phát hành và lưu hành đồng tiền kỹ thuật số này. Cuộc thử nghiệm sẽ tiến hành theo ba giai đoạn, trong đó giai đoạn cuối cùng có sự tham gia của các cơ sở kinh doanh tư nhân và người tiêu dùng nhằm kiểm tra tính khả thi và độ an toàn của đồng tiền kỹ thuật số với tư cách là một phương tiện thanh toán song song với tiền mặt.

Cuộc đua tiền kỹ thuật số: Trung Quốc đầy tham vọng, nhưng ai sẽ là thắng ai? - Ảnh 4.

BOJ dự kiến sẽ thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số vào năm 2021 (Nguồn: Reuters)

Trong thử nghiệm trên, BOJ giả định rằng các tổ chức tài chính tư nhân sẽ thực hiện chức năng trung gian đối với CBDC do ngân hàng trung ương phát hành và đồng tiền kỹ thuật số này sẽ được người tiêu dùng, các công ty và các tổ chức, cá nhân khác sử dụng rộng rãi.

Mặc dù khẳng định chưa có bất cứ kế hoạch nào về việc phát hành CBDC nhưng theo hãng tin Jiji Press, BOJ sẽ tăng cường công tác chuẩn bị để ứng phó với các động thái của Trung Quốc và thực hiện chính sách số hóa của Thủ tướng Suga Yoshihide.

Còn tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 12/10 vừa khởi động một cuộc tham vấn cộng đồng và bắt đầu các thử nghiệm để giúp ngân hàng này đưa ra quyết định có hay không nên tạo ra một "đồng euro kỹ thuật số".

Đồng Euro kỹ thuật số sẽ là một phiên bản kỹ thuật số của đồng euro hay tiền xu và nó sẽ được đấu thầu hợp pháp cũng như được ECB đảm bảo. Việc triển khai đồng tiền này cũng sẽ cho phép các cá nhân lần đầu tiên được gửi tiền trực tiếp vào ECB. Điều này có thể an toàn hơn so với việc gửi tiền ở các ngân hàng thương mại có thể bị phá sản hoặc giữ tiền mặt.

Giống như tiền mặt, tiền kỹ thuật số có thể được lưu trữ bên ngoài hệ thống ngân hàng, chẳng hạn như trong "ví kỹ thuật số". Nó sẽ cho phép công dân và các doanh nghiệp thực hiện việc thanh toán thường xuyên một cách nhanh chóng, dễ dàng và an toàn.

ECB nhấn mạnh rằng đồng euro kỹ thuật số sẽ "bổ sung cho tiền mặt chứ không phải thay thế nó". Việc phát hành và chuyển tiền euro kỹ thuật số có thể được thực hiện bằng cách sử dụng công nghệ chuỗi khối mà các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin đang sử dụng.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động thanh toán tực tuyến do mọi người tránh sử dụng tiền giấy và tiền xu vì lo ngại chúng có thể làm lây lan bệnh. Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, ngay cả ở Đức - nơi tiền mặt được cho là "vua" - người tiêu dùng lần đầu tiên được dự kiến sẽ tiêu tiền bằng thẻ nhiều hơn tiền mặt trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước