Cung cầu gặp nhau, giá thịt lợn sẽ có mặt bằng giá mới

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 11/07/2020 06:13 GMT+7

VTV.vn - Để đưa tổng đàn lợn đạt mức tương đương trước khi có dịch, tái đàn vẫn là giải pháp căn cốt, nhưng còn vướng mắc gì? Liệu người dân có được ăn thịt lợn giá như trước đây?

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm, tổng đàn lợn của Việt Nam là 24,5 triệu con, thiếu 6 triệu con nữa mới bằng thời điểm trước dịch. Điều này đã dẫn tới việc thiếu hụt lượng lợn thịt so với nhu cầu trong thời gian qua: quý I thiếu 109.000 tấn, quý II thiếu 20.000 tấn. Tuy nhiên với tốc độ tăng đàn như hiện nay, Bộ NN&PTNT dự kiến sản lượng thịt quý IV có thể đạt 1,1 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Theo tính toán, từ tháng 7 này, những lứa lợn thịt đầu tiên là kết quả tái đàn tháng 10/2019 mới bắt đầu ra thị trường.

Cung cầu gặp nhau, giá thịt lợn sẽ có mặt bằng giá mới - Ảnh 1.

Khi cung cầu thịt lợn được cân bằng và ổn định trở lại, giá thịt lợn hơi cũng sẽ không về được như thời điểm trước khi có dịch. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Tổng cục Thống kê cho biết, nhu cầu thịt lợn mỗi quý trước khi có dịch là khoảng 920.000 tấn. Dự kiến, sản lượng thịt quý III đạt 1 triệu tấn, quý IV đạt gần 1,1 triệu tấn. Theo số liệu này, dường như cung cầu thịt lợn sẽ cân bằng, hứa hẹn giá thịt không còn nhảy múa.

Tuy nhiên thực tế đang cho thấy để đạt được kế hoạch này không đơn giản, nhất là khi việc tái đàn - giải pháp được cho là quan trọng nhất - vẫn còn bộn bề khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên là do dịch tả lợn châu Phi vẫn còn nguy cơ tái phát và lây lan trên diện rộng. Tính đến thời điểm này, dịch đã có tại 773 xã trên cả nước, 34.000 con lợn đã bị tiêu hủy. Tiếp đó, nhiều địa phương tái đàn rất thận trọng, vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như không còn cơ hội phục hồi, thay vào đó là những trang trại, gia trại quy mô vài chục đến vài trăm con.

Tái đàn chỉ diễn ra ở trang trại lớn, nông hộ gặp khó

Với khoảng 100 lợn nái, 700 lợn thịt, trang trại của anh Phi (Nam Định) sau 6 tháng tái đàn đã lấp đầy khoảng 80% công suất trại so với trước khi có dịch. Tuy vậy, cũng giống nhiều trang trại trong vùng, anh không tính việc mua thêm giống bên ngoài để tăng đàn, mà dùng ngay chính con giống của trại mình để nuôi lên lợn thịt. Nguyên nhân được xác định là do chi phí giống cao, thêm vào đó, nguy cơ cao dịch tả lợn châu Phi tái phát.

Cả huyện Hải Hậu có gần 40 trang trại quy mô như của anh Phi, việc tái đàn cũng chỉ diễn ra tại những trang trại lớn. Theo Phòng Nông nghiệp huyện, sau khi hết dịch tả lợn châu Phi, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư đã giảm tới 80%, cứ 10 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì có tới 8 hộ không còn nuôi lợn, vì điều kiện để tái đàn của huyện cũng khá khắt khe.

Tỉnh Nam Định kế hoạch năm nay phải nhập 100 lợn ông bà, nhưng đã hết nửa năm vẫn chưa mua được con nào, do lợn ông bà quá khan hiếm, mà không có lợn ông bà thì sẽ không có lợn bố mẹ, dẫn tới không có lợn giống đáp ứng các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Cung cầu gặp nhau, giá thịt lợn sẽ có mặt bằng giá mới - Ảnh 2.

Việc tái đàn lợn vẫn còn bộn bề khó khăn. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Giá giống đắt, cộng với tâm lý người chăn nuôi còn khá dè dặt nên giá lợn hơi tăng cao, nhưng nhiều hộ vẫn đứng ngoài cuộc. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tái đàn tại hợp tác xã, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Rõ ràng tái đàn là biện pháp căn cốt để giải bài toán thiếu lợn, tuy nhiên giống ở đâu, vốn như thế nào? Những câu hỏi không mới, nhưng vẫn đang là khó khăn thường trực bủa vây các nông hộ. Đến thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn tiếp tục phải kêu gọi từ các doanh nghiệp lớn, các địa phương tiếp tục dốc lực đồng hành, hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn để có giống và vốn cho tái đàn.

Có thể thấy, các biện pháp đã rõ và cũng đã áp dụng từ đầu năm, tuy nhiên sẽ không có chuyện giá thịt lợn rẻ như trước đây. Kể cả khi cung cầu thịt lợn được cân bằng và ổn định trở lại, giá thịt lợn hơi cũng sẽ không về được như thời điểm trước khi có dịch (quanh ngưỡng 60.000 đồng/kg lợn hơi). Bởi theo Bộ Nông nghiệp, vào thời điểm cuối năm, trên thị trường thịt lợn, nếu cung cầu gặp nhau thì giá thịt lợn hơi sẽ xác lập một mặt bằng giá mới, tăng khoảng 30% so với trước khi có dịch.

Giá thành sản xuất 1kg lợn hơi tăng 65%

Chi phí để nuôi 1 con lợn 100kg vào thời điểm này được tính toán như sau:

- Giống: 3,5 triệu đồng;

- Thức ăn: 2,7 triệu đồng;

- Thuốc thú y: 136.000 đồng;

- Chuồng trại: 361.000 đồng;

- Nhân công lao động, lãi suất ngân hàng: 678.000 đồng;

- Tổng chi phí để nuôi 1 con lợn 100kg khoảng: 7,1 triệu đồng.

Cung cầu gặp nhau, giá thịt lợn sẽ có mặt bằng giá mới - Ảnh 3.

Nếu nguồn cung lợn đảm bảo thì giá lợn sẽ về mặt bằng mới. (Ảnh: Dân trí)

Vậy tại thời điểm này, giá thành sản xuất 1kg lợn là 71.000 đồng/kg, cao hơn tới 65% với thời điểm chưa có dịch. Lý do cơ bản là do giá giống tăng cao.

Theo các bên liên quan, mặt bằng giá vào cuối năm dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg lợn hơi mới đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi, nhà phân phối, người tiêu dùng.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, nếu nguồn cung lợn đảm bảo thì giá lợn sẽ về mặt bằng mới, tuy cao hơn so với thời gian có dịch, nhưng điều ai cũng mong muốn là mặt bằng giá này được xác lập ổn định, lâu dài, tránh thực tế mỗi ngày giá lại lên xuống bất thường như hiện nay.

Lợn hơi tăng giá trở lại bất chấp lợn sống từ Thái Lan lại về Lợn hơi tăng giá trở lại bất chấp lợn sống từ Thái Lan lại về

VTV.vn - Dù lợn nhập từ Thái Lan đã về thêm, nhưng giá lợn hơi trong nước vẫn có xu hướng tăng trở lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước