Theo các số liệu thống kê mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ từ 16-24 tuổi ở Trung Quốc đã đạt mức gần 19% trong tháng 8, tức là cứ 5 người trẻ lại có một người không tìm được việc làm. Các khó khăn của doanh nghiệp trong nền kinh tế số hai thế giới đã cản trở việc thúc đẩy tuyển dụng và đặt ra nhiều thách thức với giới chức nước này nhằm cải thiện thị trường việc làm và đi xa hơn nữa là vực dậy toàn nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, tình trạng thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ đang đặt ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách thức người trẻ chi tiêu, mà còn cả cách họ chọn lựa việc làm, hay đầu tư - những yếu tố có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Ông Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Vương quốc Anh cho biết: "Khi thất nghiệp cao tác động tới tâm lý giới trẻ, họ bắt đầu buồn chán, họ bắt đầu không mạo hiểm. Đầu tiên là họ ít chi tiêu. Thứ hai là họ không chọn các công việc có triển vọng tốt, chấp nhận mạo hiểm, mà họ chọn những công việc bình thường. Họ cũng chọn cách đầu tư khác, tránh các đầu tư rủi ro như cổ phiếu và đi vào đầu tư an toàn hơn như vàng. Điều này có một tác động, những dòng vốn không đi vào các khu vực có đà tăng trưởng cao. Khi điều đó diễn ra, nó sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế và hạn chế cơ hội tạo ra những doanh nghiệp có thể tạo ra động lực bứt phá cho nền kinh tế".
Cứ 5 người trẻ lại có một người không tìm được việc làm
Để cải thiện tình hình, giới chức Trung Quốc ngày 25/9 đã công bố những hướng dẫn mới để thúc đẩy hoạt động kiến tạo việc làm, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ các sinh viên tốt nghiệp Đại học và những người trẻ tuổi khác, chẳng hạn như thúc đẩy mức lương tốt hơn, cung cấp cơ hội đào tạo và học tập nâng cao.
Ông Li Zhong - Thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tập trung vào việc tăng cường các chính sách hỗ trợ cho các nhóm chính, ưu tiên việc làm cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người vừa tốt nghiệp Đại học. Chúng tôi sẽ cải thiện các chính sách tài chính và thuế, tăng cường các sáng kiến phát triển việc làm, hỗ trợ sinh viên và tối ưu hóa kết nối giữa các dịch vụ trong và ngoài trường học để đảm bảo sự ổn định chung của việc làm cho thanh niên".
Giới chức Trung Quốc cũng cho biết sẽ hướng tới mục tiêu "ngăn ngừa nguy cơ thất nghiệp trên diện rộng và coi đó là mục tiêu cốt lõi", đồng thời cải thiện tính ổn định cho việc làm và đảm bảo mức thu nhập hợp lý của người lao động.
Ông Heron Lim - Chuyên gia kinh tế, Hãng nghiên cứu Moody's Analytics nhận định: "Chính phủ Trung Quốc cần có những biện pháp hỗ trợ, không chỉ tạo việc làm, mà còn giúp ổn định công việc hiện có, như thúc đẩy tăng trưởng tiền lương hơn nữa. Như vậy người tiêu dùng mới thực sự cảm thấy tự tin để chi tiêu, thay vì lúc nào họ cũng phải lo lắng đến việc tiết kiệm đồng lương kiếm ra vì công việc không ổn định".
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết sẽ phân bổ hợp lý các khoản trợ cấp việc làm, sử dụng hiệu quả những quỹ bảo hiểm thất nghiệp và các quỹ công nghiệp khác nhau để thúc đẩy hơn nữa hoạt động tạo việc làm. Trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã tạo ra 8,26 triệu việc làm, hoàn thành khoảng 2/3 mục tiêu hàng năm đã đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!