Hôm nay (9/8), Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7. Trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn đang vật lộn với vật giá leo thang, chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên sự sụt giảm này đang gây lo ngại.
So với cùng năm ngoái, chỉ số CPI tháng 7 âm 0,3%, sau khi đi ngang 0% trong tháng 6. Tháng 7 ghi nhận giá thực phẩm giảm 1%.
Các chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong G20 đứng trước nguy cơ giảm phát.
Khi nhu cầu tiêu dùng giảm, hàng hóa bị thừa dẫn đến giá hàng hóa giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Theo các chuyên gia, giảm phát là tình trạng giảm giá liên tiếp nhiều tháng liền, nguyên nhân chính của giảm phát là sự suy giảm của cầu. Khi nhu cầu tiêu dùng giảm, hàng hóa bị thừa dẫn đến giá hàng hóa giảm. Giá hàng hóa sụt giảm, doanh thu ít đi khiến doanh nghiệp mất động lực sản xuất. Nếu giảm phát, giảm lợi nhuận, đóng cửa nhiều nhà máy, thất nghiệp gia tăng…
So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu tháng 7 giảm mạnh nhất hơn 3 năm, chỉ số giá nhà sản xuất PPI tháng 7 giảm 4,4%, giảm tháng thứ 10 liên tiếp. Chỉ số chứng khoán CSI 300 (các công ty bluechip) giảm, một số nhà phát triển bất động sản cũng gặp khó khi trả nợ trái phiếu đáo hạn.
Nhu cầu trong nước phục hồi chậm, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu lớn trên thế giới giảm đơn hàng, khiến các chuyên gia kinh tế lo lắng về đà phục hồi chậm của nền kinh tế số 2 thế giới. Các giải pháp kích cầu tiêu dùng hiện tại chưa đủ sức vực dậy niềm tin tiêu dùng nên càng gia tăng áp lực lên các cơ quan chức năng Trung Quốc triển khai các gói kích thích toàn diện và mạnh hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!