CPI 10 tháng tăng 3,78%

Ngọc Hiền-Thứ tư, ngày 06/11/2024 13:44 GMT+7

VTV.vn - Nếu không có sự tăng giá đột biến, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhiều khả năng sẽ thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Báo cáo kinh tế xã hội mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 10/2024 tăng 0.33% so với tháng trước, nguyên nhân chính đến từ giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm giá, với mức giảm 0,05%.

Ngược lại, trong nhóm hàng hóa có CPI tăng, nhóm giao thông tăng mạnh nhất, với 0,66%, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.

Việc nhóm giao thông có CPI tăng mạnh như vậy trong tháng 10/2024 chủ yếu do giá dầu diezen tăng 2,27%; giá xăng trong nước tăng 0,98% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Ngoài ra, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tiếp tục tăng mạnh, lên tới 32,75% do nhu cầu của người tiêu dùng tăng...

Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%; nhóm giáo dục tăng 0,48%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%...

Các nhóm hàng hóa có CPI tăng khác bao gồm nhóm đồ uống và thuốc lá (tăng 0,11%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 0,11%); nhóm may mặc, mũ nón và giày dép (tăng 0,09%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,09%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,02%).

CPI 10 tháng tăng 3,78% - Ảnh 1.

CPI tháng 10/2024 bị chi phối bởi giá lương thực, thực phẩm; giá xăng dầu; giá thuê nhà ở đều tăng. Ảnh: CNBC

So với tháng 12/2023, CPI tháng 10 tăng 2,52% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%. 

Trong khi đó, nếu tính bình quân 10 tháng đầu năm, CPI tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, lạm phát sau 10 tháng vẫn đang được kiểm soát dưới ngưỡng 4%.

Chỉ còn 2 tháng cuối năm, nếu không có gì đột biến, khả năng năm nay, lạm phát tiếp tục đạt mục tiêu kiểm soát dưới 4% mà Chính phủ quyết tâm. Còn theo quyết nghị của Quốc hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là chắc chắn đạt được.

Ở khía cạnh khác, lạm phát cơ bản tháng 10/2024 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%).

Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Trong khi đó, giá vàng tiếp tục biến động. Chỉ số giá vàng tháng 10/2024 tăng 5,96% so với tháng trước; tăng 29,97% so với tháng 12/2023; tăng 38,88% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 27,48%.

Giá USD cũng có sự biến động đáng kể. Chỉ số giá USD tháng 10/2024 tăng 0,7% so với tháng trước; tăng 2,41% so với tháng 12/2023; tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, chỉ số giá USD tăng 5,1%.

Cũng theo báo cáo, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong tháng 10 đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI trong 10 tháng đầu năm đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Về các doanh nghiệp mới thành lập, có khoảng 13,500 doanh nghiệp đăng ký trong tháng vừa qua, tăng đáng kể so với tháng trước; bình quân mười tháng năm 2024, cả nước có 138,000 doanh nghiệp mới thành lập, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 1,480 nghìn tỷ đồng. 

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt hơn 49,000, cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế khi nhiều doanh nghiệp quyết định tiếp tục hoạt động và đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước