Có lẽ chúng ta đã ít nhiều nghe những nhận định như vậy từ lúc dịch COVID-19 xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế từ đó đến nay, sự chuyển dịch số của doanh nghiệp Việt Nam ra sao, mức độ áp dụng đến đâu thì phải đến thời điểm này, qua những số liệu, những "thành quả" vừa được các doanh nghiệp công bố mới cho chúng ta bức tranh rõ ràng hơn về "guồng quay" chuyển đổi số hiện nay.
Hội trợ triển lãm 3D trực tuyến đầu tiên
Trong bối cảnh thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình cảnh "ngăn sông cấm chợ" vì COVID-19, lần đầu tiên, một nền tảng hội chợ 3D trực tuyến vừa được ra mắt giúp hàng chục doanh nghiệp Việt "chốt đơn" từ bạn hàng nước ngoài.
Nền tảng hội chợ trực tuyến này trong tương lai sẽ còn "đấu nối" với các hội chợ trực tuyến của nhiều quốc gia khác để làm tốt hơn vai trò giao thương
Theo chủ trì hội chợ 3D trực tuyến này là Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, nền tảng sẽ không chỉ giúp giải quyết nhu cầu kết nối bạn hàng quốc tế ngắn hạn trong lúc "ngăn sông cấm chợ" vì COVID-19 mà còn đóng vai trò khởi đầu cho kế hoạch chuyển đổi số lâu dài của hàng trăm doanh nghiệp trong hội.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Nền tảng này là một cửa ngỏ, một điểm bắt đầu. Hiện tại chúng tôi có 50 showroom, tương ứng 5.000 sản phẩm trên nền tảng. Một lượng vừa đủ để thu hút khách hàng ghé chân vào, sau đó người ta nếu thích thú một sản phẩm nào đó thì sẽ dẫn đến các trang thương mại điện tử của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này việc xây dựng trang TMĐT cho từng doanh nghiệp là rất cần thiết".
Không chỉ là kênh "đấu nối" đến các trang thương mại điện tử riêng của các doanh nghiệp trong nước, nền tảng hội chợ trực tuyến này trong tương lai sẽ còn "đấu nối" với các hội chợ trực tuyến của nhiều quốc gia khác để làm tốt hơn vai trò giao thương, trở thành một kênh trực tuyến hỗ trợ đắc lực, lâu dài cho nhóm doanh nghiệp chế biến gỗ... ngay cả khi dịch bệnh qua đi.
Có thể thấy nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến không chỉ dựng lên "cho vui, cho hợp thời" mà nó còn là mắt xích đầu tiên cho cả một quá trình chuyển đổi số dài hơi của doanh nghiệp. Điều này phần nào cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp đang mong muốn đầu tư cho chuyển đổi số một cách bài bản, có chiến lược. Các bản hợp đồng tư vấn chuyển đổi số vì thế cũng được ký kết nhiều hơn trong mấy tháng qua, một số doanh nghiệp đầu ngành tư vấn chuyển đổi số.
Thị trường chuyển đổi số cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khá mạnh sau giai đoạn làn sóng COVID-19 thứ nhất. Qua 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng chuyển đổi số của Tập đoàn FPT đã đạt hơn 1.770 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ điện toán đám mây trong 3 tháng cao điểm dịch COVID-19 là (tháng 4-5-6) của CMC Telecom tăng hơn 150% so với 3 tháng trước đó và tăng 250% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyển đổi số không xa vời đối với doanh nghiệp nhỏ
Theo giới tư vấn chuyển đổi số, doanh nghiệp thường quan điểm rằng mức chi phí đầu tư chuyển đổi số thì phải ở mức trăm nghìn USD, triệu USD... Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, những mô hình cho thuê, mô hình điện toán đám mây đã kéo giảm chi phí đầu tư này gấp nhiều lần. Những yếu tố này phần nào cũng giúp doanh nghiệp nhỏ dễ tiếp cận hơn với chuyển đổi số.
Nói đến chuyển đổi số, vấn đề quan trọng không phải là quy mô doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà là với doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết vấn đề sát sườn gì cho doanh nghiệp. Sau cùng để chuyển đổi số thành công thì trước tiên doanh nghiệp phải không để mình "ngáo số" trước đã, tức là mù mờ về kiến thức và không biết mình muốn gì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!